Ông bà nội tôi lấy nhau, sau đó do chiến tranh nên về nơi ở hiện tại (hiện nhà tôi đang ở) để sinh sống. Đất này do nhà nước cấp cho 2 ông bà khi di tản vì chiến tranh. Ông bà nội tôi sinh được 8 người con. Một người đã hy sinh khi tham gia kháng chiến cứu nước. Hiện tại thì ông bà tôi cũng đã mất. Ông mất năm 1989, rồi sau đó 1 thời gian tầm năm 2008 thì bà mất.
+ Trước khi mất thì ông tôi có để lại di chúc với nội dung cơ bản như sau: "các con cái đều đã có gia đình, đất ở, riêng con út (bố tôi) là chưa có. Hiện có 2 miếng đất, con út và con trai cả có thể đổi chỗ cho nhau để ở. Nếu không đổi thì ai ở yên vị trí đấy". Di chúc này không có dấu xác nhận của cơ quan nhà nước vào thời điểm đó và đã được bác cả (con trai cả) giữ. Nhưng giờ bác giấu không đem ra và bảo là mất rồi.
+ Vì thế, sau khi ông mất. Vào năm 1996, vì sợ tranh chấp, bà nội (vợ ông) có để lại di chúc với nội dung: "các con cái đều đã có gia đình, đất ở, riêng con út chưa có đất ở, và tôi đã họp bàn với các con và tự nguyện để lại căn nhà và toàn bộ mảnh đất cho con trai út". Trên di chúc có chữ ký của bà nội, bác cả, bác hai và có đóng dấu xác nhận của UBND. Và sau đó bà tiến hành sang tên bìa đất cho bố mẹ tôi và các bác lúc đó không có ý kiến gì. Cho tới bây giờ, đứng tên trên bìa đất là tên của bố mẹ tôi. Sau đó, bố mẹ tôi và các bác thỏa thuận miệng với nhau cho xây 1 nhà thờ (trên đất do bố mẹ tôi đứng tên trên bìa đỏ) để thờ cúng ông bà. Nhưng hiện nay, sau khi xây nhà thờ xong thì các bác không cho nhà tôi được đặt chân lên đất nhà thờ, đuổi gia đình tôi khỏi phần đất nhà thờ (phần đất này nhà tôi chưa cắt bìa, vẫn còn tên bố mẹ tôi) và các bác muốn đòi chia tài sản nếu không sẽ không cho sang bên phần đất nhà thờ nữa.
Câu hỏi:
1. Luật sư có thể tư vấn cho tôi về việc các bác đuổi gia đình tôi khỏi phần đất nhà thờ trong khi phần đất đó vẫn đứng tên bố mẹ tôi là đúng hay sai.
2. Các bác có được đòi chia tài sản không. Nếu không thì làm sao để nhà tôi có thể bảo vệ được quyền lợi của mình. Nếu có thì sẽ chia như thế nào. Xin cảm ơn luật sư!
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo thông tin anh cung cấp thì toàn bộ diện tích đất có nguồn gốc là tài sản chung của ông bà nhưng diện tích đất này hiện nay đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bố mẹ anh. Do vậy, xác định bố mẹ anh đang là người sử dụng đất được nhà nước công nhận. Các bác không có quyền đuổi gia đình anh ra khỏi phần đất xây dựng nhà thờ đang đứng tên của bố mẹ anh khi tranh chấp chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tuy nhiên, do nguồn gốc đất là của ông bà để lại, do vậy những người bác có thể xem xét đến quyền thừa kế của mình đối với di sản do ông bà để lại. Để xác định các bác có quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế là diện tích đất đang đứng tên bố mẹ bạn hay không cần xem xét các vấn đề sau:
1. Thời hiệu thừa kế:
Căn cứ theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 về Thời hiệu thừa kế:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì một số giai đoạn sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện. Cụ thể, ngày 05/01/2018 tại Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thời hiệu thừa kế:
“Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, … Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.
Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.
Trong trường hợp của gia đình anh, quyền sử dụng đất là tài sản chung của ông bà. Do đó, khi người ông chết, di sản thừa kế của ông là ½ tài sản chung, ½ tài sản chung còn lại là tài sản riêng của bà.
- Người ông mất trước ngày 10/9/1990 (năm 1989) và di sản là quyền sử dụng đất, do vậy thời hiệu thừa kế đối với phần di sản của ông để lại là 30 năm, tính từ ngày 10/9/1990. Theo đó, đến thời điểm hiện tại phần di sản thừa kế là quyền sử dụng đất của người ông đã không còn thời hiệu khởi kiện. Trường hợp di sản thừa kế bao gồm cả nhà ở thì phần di sản là nhà ở có thời hiệu thừa kế là 30 năm tính từ ngày 10/9/1990, tuy nhiên, khoảng thời gian từ 01/7/1996 – 01/01/1999 sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện nên phần di sản thừa kế của ông là nhà ở vẫn còn thời hiệu khởi kiện.
- Người bà mất năm 2008 nên vẫn còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế phần di sản của người bà.
Như vậy, hiện nay những người thừa kế khác đã không còn thời hiệu để khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với phần di sản là quyền sử dụng đất của người ông để lại. Họ chỉ còn thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần di sản là nhà ở (nếu có) và phần di sản của người bà.
2. Giá trị pháp lý của văn bản do người bà lập năm 1996
Năm 1996, khi đó người ông đã mất, người bà có lập văn bản định đoạt toàn bộ tài sản là nhà và đất cho bố anh. Trên văn bản có chữ ký của bà nội, bác cả, bác hai và có đóng dấu xác nhận của UBND, sau đó bà tiến hành sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bố anh (thời điểm này người bà vẫn còn sống). Dựa trên các thông tin anh cung cấp có thể nhận thấy văn bản bà anh lập năm 1996 bản chất là một văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế của ông và tặng cho phần tài sản riêng của bà. Sau khi lập văn bản thỏa thuận, các bên đã sinh sống ổn định, lâu dài trên phần đất mà mình được nhận, không ai có ý kiến tranh chấp. Dựa vào văn bản đó, bố mẹ anh đã được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do vậy, có căn cứ cho rằng di sản thừa kế đã được phân chia, những người thừa kế đã thỏa thuận phân chia di sản không có căn cứ để đòi lại phần di sản đã được các bên thỏa thuận phân chia.
Tuy nhiên, thông tin anh cung cấp thì ông bà có 8 người con, nhưng khi lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế chỉ có bác cả và bác 2 ký tên vào, tức chưa có sự thỏa thuận bằng văn bản với tất cả những người thừa kế còn lại. Do vậy, chỉ có những người thừa kế của người ông chưa thỏa thuận phân chia di sản mới có căn cứ để yêu cầu phân chia di sản thừa kế của người ông để lại trong những trường hợp cụ thể sau:
- Trường hợp những người thừa kế không ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế lập năm 1996 nhưng việc phân chia đã được thực hiện trên thực tế và đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai, các bên đã sử dụng ổn định, lâu dài, tất cả những người thừa kế biết và không có ý kiến gì thì xác định di sản thừa kế đã được phân chia trên thực tế, nhà đất không còn là di sản thừa kế của ông.
- Trường hợp những người thừa kế không ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế lập năm 1996, đồng thời họ cũng không biết việc các bác lập văn bản thỏa thuận phân chia trên thực tế. Khi đó, họ có căn cứ để yêu cầu phân chia di sản thừa kế của người ông để lại. Tuy nhiên, như phân tích ở trên thì hiện nay thời hiệu phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất đã hết, những người thừa kế không còn quyền khởi kiện để yêu cầu phân chia di sản là quyền sử dụng đất.
Phần tài sản của bà đã được bà định đoạt từ khi còn sống tại văn bản thỏa thuận năm 1996. Tài sản đã được chuyển quyền sở hữu cho bố mẹ bạn, không còn là di sản của người bà nên những người bác không có căn cứ để yêu cầu chia thừa kế.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: