Xin chào Luật sư! Em có một câu hỏi nhờ luật sư giải đáp với ạ! Em công tác tại ngân hàng TMCP được 9 năm và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 9 năm. Năm 2019 em lấy bằng cao học. Nay em thi công chức, nếu em đỗ công chức thì khi vào em được xếp lương như thế nào ạ? Em có được đóng bảo hiểm xã hội với mức lương cũ không hay theo bậc ạ! Kính mong luật sư giải đáp giúp em. em cảm ơn !
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Về việc xếp lương khi được tuyển dụng vào công chức
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 3 Nghị định 204/2004/NĐ-CP về nguyên tắc xếp lương và phụ cấp chức vụ lãnh đạo thì: “a) Cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào (sau đây viết tắt là ngạch) hoặc chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nào thuộc ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là chức danh) thì xếp lương theo ngạch hoặc chức danh đó”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì căn cứ vào ngạch công chức, chức danh chuyên môn nghiệp vụ khi được tuyển dụng để xếp lương cho viên chức. Do vậy, việc xếp lương của chị khi được tuyển dụng vào công chức căn cứ vào vị trí, chức danh chị được tuyển dụng, không căn cứ vào việc chị có bằng cao học hay đại học.
2. Về việc xếp lương khi có thời gian công tác có đóng BHXH
Theo thông tin chị cung cấp, chị công tác tại Ngân hàng TMCP được 9 năm và có đóng BHXH bắt buộc 9 năm. Nay chị thi công chức thì việc xếp lương được thực hiện theo quy định tại Điều 19 Nghị định 138/2020/NĐ-CP, cụ thể:
“Điều 19. Xếp ngạch, bậc lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Trường hợp người được tuyển dụng hoặc được tiếp nhận vào làm công chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
2. Việc xếp lương ở ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định hiện hành”.
Do đó, nếu như chị được tuyển dụng vào công chức và được bố trí việc làm đúng theo ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc nhưng chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần được tính để làm căn cứ xếp ngạch, bậc lương phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng.
Trường hợp chị công tác tại ngân hàng và có tham gia BHXH bắt buộc 9 năm, nhưng khi được tuyển dụng vào công chức, vị trí việc làm của chị không đúng với ngành, nghề đào tạo hoặc chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã dảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc tại ngân hàng không được tính để xếp lương (tức xếp lương ở bậc 1).
3. Về mức lương tham gia BHXH
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 89 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì: “ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)”.
Như vậy, mức lương tham gia BHXH của chị khi được tuyển dụng vào công chức là mức lương theo ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
Lưu ý: Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: