Vợ chồng không có mâu thuẫn thì có căn cứ đơn phương ly hôn không?

Vợ chồng không có mâu thuẫn thì có căn cứ đơn phương ly hôn không?

2024-11-14 12:00:50 40

Hai vợ chồng tôi sống hòa thuận nhưng gần đây vợ tôi nghe lời chị gái xúi giục nên đòi ly hôn với tôi. Vậy trường hợp này giải quyết như thế nào? Nếu vợ chồng tôi ly hôn, vẫn ở chung trong nhà không ai làm ảnh hưởng đến công việc của nhau có được không?

Trước khi xây dựng gia đình, bố mẹ tôi cho tôi 01 ngôi nhà gỗ và 05 xào cà phê. Sau khi cưới tôi bán nhà và rẫy để xây nhà ở nơi mới. Vậy tiền bán nhà và rẫy có được tính là tài sản riêng của tôi hay không? Nếu tôi chuyển tài sản cho 02 con thì cần thủ tục gì?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, về quyền yêu cầu ly hôn:

Theo thông tin anh cung cấp, hiện tại anh đang có nhu cầu tư vấn về vấn đề ly hôn, tuy nhiên chúng tôi chưa xác định được anh có đồng ý ly hôn hay không do đó nếu anh cũng đồng ý ly hôn thì hai bên có thể thực hiện thủ tục thuận tình ly hôn. Nếu trong trường hợp chỉ có người vợ muốn ly hôn thì Tòa án vẫn có thể giải quyết ly hôn theo thủ tục đơn phương ly hôn căn cứ theo các quy định sau:

Tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Bên cạnh đó, tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

…”

Căn cứ theo các quy định của pháp luật nêu trên, có thể thấy pháp luật hiện tại cho phép vợ, chồng hoặc cả hai bên có quyền yêu cầu ly hôn. Nếu trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng ly hôn thì phải có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Từ đó, nếu vợ anh muốn đơn phương ly hôn thì phải đưa ra các căn cứ chứng minh anh có hành vi bạo lực gia đình hoặc anh có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như anh có hành vi ngoại tình hoặc do vợ chồng anh đã ly thân trong một thời gian dài… dẫn đến hai vợ chồng không còn tình cảm, không còn yêu thương, chăm sóc, đời sống hôn nhân không thể tiếp tục.

Nếu trường hợp anh không muốn ly hôn nhưng vợ anh có căn cứ chứng minh về các vấn đề đã nêu trên thì theo yêu cầu ly hôn của một bên Tòa án có thẩm quyền vẫn thụ lý và giải quyết theo thủ tục đơn phương ly hôn.

Hiện nay pháp luật không có quy định về vấn đề sau khi ly hôn hai vợ chồng không được cùng chung sống tại một địa điểm do đó, hai vợ chồng anh chị có thể tự thỏa thuận về việc sống chung sau ly hôn này.

Thứ hai, về vấn đề xác định và phân chia tài sản chung – tài sản riêng của vợ chồng khi ly hôn:

Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về tài sản riêng của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

Theo quy định của pháp luật, tài sản chung của vợ chồng là các tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tài sản do vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung hoặc các tài sản khác do vợ chồng cùng thỏa thuận là tài sản chung.

Tài sản riêng là các tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản có được sau khi vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Đối chiếu với trường hợp của anh, trước thời điểm đăng ký kết hôn, anh được tặng cho nhà và 5 sào cà phê, có thể xác định phần tài sản này là tài sản riêng được hình thành trước thời kỳ hôn nhân của anh. Tuy nhiên, sau khi đăng ký kết hôn anh có bán căn nhà và 5 sào cà phê và dùng khoản tiền sau khi bán tài sản này để xây dựng lên phần nhà mới.

Nếu sau khi bán các tài sản, anh đã dùng toàn bộ khoản tiền này để xây dựng nhà mới và Giấy chứng nhận quyền sở dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất đứng tên của hai vợ chồng thì có thể xác định anh đã đồng ý gộp tài sản riêng của mình vào khối tài sản chung của hai vợ chồng. Khi đó, phần tài sản mới được hình thành được xác định là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Theo nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung được chia đôi nhưng có tính đến một số yếu tố như công sức đóng góp của các bên trong quá trình tạo lập tài sản chung, yếu tố lỗi của các bên trong vi phạm quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, yếu tố hoàn cảnh gia đình của các bên…. Do đó, khi phân chia tài sản nếu không bên nào chứng minh được tài sản tranh chấp là tài sản riêng thì xác định tài sản tranh chấp là tài sản chung và được tiến hành phân chia theo nguyên tắc đã nêu trên.

Thứ ba, về thủ tục chuyển nhượng tài sản cho các con:

Đối với vấn đề chuyển nhượng “tài sản chung” của anh chị cho các con, anh cần lưu ý thủ tục này chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Nếu trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý để lại tài sản này cho các con và muốn phân chia thì theo yêu cầu của một bên Tòa án vẫn thực hiện thủ tục phân chia tài sản theo quy định pháp luật. Nếu trong trường hợp anh chị đồng ý thỏa thuận về vấn đề để lại tài sản cho các con thì có thể thực hiện như sau:

Trong trường hợp cả 2 người con đã đủ 18 tuổi thì anh chị có thể thực hiện thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Luật đất đai 2013. Theo đó, hai anh chị và các con sẽ cùng liên hệ với văn phòng công chứng nơi có đất để lập hợp đồng tặng cho có công chứng. Sau khi hoàn tất thủ tục công chứng thì chuyển hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất để thực hiện đăng ký sang tên.

Trong trường hợp các con chưa đủ 18 tuổi thì theo quy định của pháp luật dân sự cả bố và mẹ đều là người đại diện theo pháp luật của con và người đại diện theo pháp luật không thể nhân danh người được đại diện để thực hiện các giao dịch với chính mình. Do đó, với trường hợp này anh chị chưa thể thực hiện thủ tục tặng cho cho các con theo thủ tục tặng cho nêu trên.

Ngoài ra, đối với tài sản được xác định là tài sản riêng của anh thì anh có quyền tự định đoạt mà không cần sự đồng ý của vợ.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  ly hôn

,  

căn cứ ly hôn

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi