Tư vấn về gia công hàng mỹ phẩm

Tư vấn về gia công hàng mỹ phẩm

2024-01-16 21:40:13 119

Bên mình đang có ý định gia công hàng Mỹ phẩm tại Việt Nam theo nội dung sau:

Mình là Công ty Xuất nhập khẩu có nhãn hiệu riêng đã được đăng ký bảo hộ và muốn đặt hàng gia công tại một Công ty sản xuất Mỹ phẩm nào đó ở Việt Nam để tiêu thụ nhưng với điều kiện của bên mình là sẽ không phải chịu trách nhiệm bất kỳ vi phạm như chất lượng sản phẩm, vi phạm bản quyền của đối thủ (Ví dụ như sản phẩm có tác dụng tương đồng với đối thủ mà bị đối thủ kiện ...)

Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:

Hoạt động gia công hàng hóa (Mỹ phẩm) theo quy định pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại điều 178,179,180 Luật thương mại 2005 thì Hoạt động gia công hàng hóa được xác định là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao. Tất cả hàng hóa không thuộc diện cấm kinh doanh đều có thể thực hiện hoạt động gia công theo Hợp đồng gia công của các bên.

Cũng theo Luật thương mại 2005 thì quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công được quy định tại điều 181 như sau:

“Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công

  1. Giao một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu gia công theo đúng hợp đồng gia công hoặc giao tiền để mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thoả thuận.
  2. Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  3. Bán, tiêu huỷ, tặng biếu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo thoả thuận và phù hợp với quy định của pháp luật.
  4. Cử người đại diện để kiểm tra, giám sát việc gia công tại nơi nhận gia công, cử chuyên gia để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thoả thuận trong hợp đồng gia công.
  5. Chịu trách nhiệm đối với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ của hàng hoá gia công, nguyên liệu, vật liệu, máy móc, thiết bị dùng để gia công chuyển cho bên nhận gia công.

Bên nhận gia công có quyền và nghĩa vụ được quy định tại điều 182 Luật thương mại 2005, bên nhận gia công chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công, sẽ chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

“Điều 182. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công

  1. Cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu để gia công theo thỏa thuận với bên đặt gia công về số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật và giá.
  2. Nhận thù lao gia công và các chi phí hợp lý khác.
  3. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công, máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu theo uỷ quyền của bên đặt gia công.
  4. Trường hợp nhận gia công cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, bên nhận gia công được miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tạm nhập khẩu theo định mức để thực hiện hợp đồng gia công theo quy định của pháp luật về thuế.
  5. Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hoạt động gia công hàng hoá trong trường hợp hàng hoá gia công thuộc diện cấm kinh doanh, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.”

Từ những căn cứ nêu trên thì bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm với tính hợp pháp về quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 48 Thông tư 06/2011/TT-BYT thông tư về quản lý Mỹ Phẩm thì xác định cá nhân tổ chức đưa sản phẩm ra thị trường sẽ chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

“Điều 48. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, nhập khẩu mỹ phẩm để lưu thông trên thị trường Việt Nam

  1. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về các nội dung kê khai trong Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, đảm bảo rằng sản phẩm đưa ra lưu thông đáp ứng tất cả các yêu cầu của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và các Phụ lục kèm theo.
  2. Tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường có trách nhiệm theo dõi, phát hiện và thu hồi ngay mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện thông báo thu hồi của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, báo cáo về việc thu hồi mỹ phẩm gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giải quyết kịp thời khiếu nại của khách hàng về chất lượng mỹ phẩm, bồi thường thiệt hại cho khách hàng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải hoàn trả lại tiền cho người mua hàng và các chi phí phát sinh trong quá trình bảo quản, vận chuyển, lưu thông sản phẩm.
  3. Trường hợp phát hiện những tác dụng phụ trầm trọng ảnh hưởng đến tính mạng người tiêu dùng do chất lượng sản phẩm mỹ phẩm, tổ chức và cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải báo cáo tới Cục Quản lý dược - Bộ Y tế trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được thông tin đầu tiên về tác dụng phụ này theo mẫu tại Phụ lục số 18-MP. Báo cáo chi tiết về tác dụng phụ trầm trọng này phải được gửi về Cục Quản lý dược - Bộ Y tế trong vòng 08 ngày tiếp theo.
  4. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải lưu giữ Hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) trong thời gian tối thiểu 03 năm kể từ khi lô sản xuất cuối cùng được đưa ra thị trường và xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra yêu cầu.
  5. Các đơn vị sản xuất mỹ phẩm phải triển khai áp dụng và đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam á (CGMP-ASEAN).
  6. Tổ chức, cá nhân kinh doanh mỹ phẩm phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc kiểm tra, thanh tra về chất lượng mỹ phẩm, thu hồi mỹ phẩm vi phạm và được quyền khiếu nại về kết luận và hình thức xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
  7. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải tuân thủ các quy định và luật pháp Việt Nam về sở hữu trí tuệ. Khi có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân phải ngừng sản xuất, buôn bán, nhập khẩu để tiến hành thay đổi nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp theo đúng quy định và có trách nhiệm bồi hoàn và xử lý hậu quả (nếu có).”

Như vậy, đối với hợp đồng gia công mỹ phẩm (chưa xem xét đến nội dung gia công) thì về mặt nguyên tắc bên đặt gia công phải chịu trách nhiệm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường (Công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước) thì cũng sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa.

Trong trường hợp doanh nghiệp đặt gia công, không muốn chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng hàng hóa, quyền sở hữu trí tuệ thì phải chuyển sang hình thức hợp đồng khác không phải hợp đồng gia công (Ví dụ như hợp đồng mua bán, hợp đồng đặt mua, hợp đồng hợp tác kinh doanh) doanh nghiệp chỉ chịu trách nhiệm là đầu mối để mua bán.

Lưu ý:

Trên đây là nội dung giải đáp về “Gia công hàng mỹ phẩm” . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số hotline 093.650.0818

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa: 

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi