Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng khó khăn

Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng khó khăn

2024-12-06 10:35:59 37

Tôi là giáo viên đã công tác 17 năm ở trường PTDTBT THCS thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tháng 9 vừa qua tôi được điều động đi biệt phái 1 năm tại trường THCS cùng tỉnh nhưng thuộc vùng thuận lợi cho đến tháng 8 năm sau.

Luật sư cho hỏi chế độ Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị Định 76/2019/NĐ-CP tôi có được hưởng không? Ngoài ra, bây giờ tôi vẫn thuộc biên chế của trường THCS ở vùng đặc biệt khó khăn, tôi được biệt phái ra trường THCS ở vùng thuận lợi thì chế độ tiền lương của tôi được tính như thế nào? Có bị cắt các khoản phụ cấp không ạ?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 76/2019/NĐ-CP:

Điều 8. Trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu

1. Đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý trả lương trước khi chuyển công tác hoặc khi nghỉ hưu (hoặc nơi công tác được cấp có thẩm quyền quyết định không còn là vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) chi trả”.

Theo quy định trên thì trường hợp viên chức đang công tác và có thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần tính theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Theo quy định thì khi viên chức chuyển đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp đang làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật. Trường hợp viên chức được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập khác thì không thực hiện việc tuyển dụng mới và không giải quyết chế độ thôi việc. Tuy nhiên, Theo quy định tại Điều 36 Luật viên chức 2010 thì:

“1. Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức.

2. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.

3. Viên chức được cử biệt phái phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến.

4. Trong thời gian biệt phái, đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm bảo đảm tiền lương và các quyền lợi khác của viên chức.

5. Viên chức được cử biệt phái đến miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

6. Hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.

7. Không thực hiện biệt phái viên chức nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.

Biệt phái viên chức được hiểu là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Viên chức được cử biệt phái tuy phải chịu sự phân công công tác và quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được cử đến nhưng vẫn tồn tại quan hệ lao động với đơn vị cử đi và vẫn thuộc biên chế của đơn vị cũ.

Như vậy, trường hợp chị đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn 17 năm, nay được biệt phái đến một đơn vị khác thuộc vùng thuận lợi trong thời hạn 1 năm thì không thuộc trường hợp chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do vậy, chị không thuộc trường hợp được nhận trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

1. Đối với khoản phụ cấp khu vực chị đang được hưởng là 0,5:

Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Mục II Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLDTBXH-BTC-UBDT hướng dẫn chế độ phụ cấp khu vực thì: “Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực ở nơi trước khi đi”.

Như vậy, trường hợp chị được cử đi biệt phái thời gian 1 năm tại đơn vị mới thì được hưởng phụ cấp theo mức quy định ở đơn vị mới, nếu đơn vị mới thuộc vùng không có phụ cấp khu vực thì sẽ thôi hưởng phụ cấp khu vực.

2. Đối với phụ cấp ưu đãi nghề giáo:

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD-DT-BNV-BTC thì:

“b) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:

- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;

- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;

- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy”.

Như vậy, nếu như chị được cử đi biệt phái sang trường khác nhưng vẫn trực tiếp tham gia giảng dạy thì vẫn được hưởng khoản phụ cấp ưu đãi nghề giáo này.

3. Đối với phụ cấp trách nhiệm:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Mục III Thông tư 05/2005/TT-BNV hướng dẫn chế độ phụ cấp trách nhiệm:

“2. Cách chi trả phụ cấp:

Phụ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;

Khi không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc”.

Khi chị không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc. Trường hợp của chị, cần xem xét về việc đơn vị có quyết định về việc thay đổi chức danh, vị trí công việc của chị hay không. Nếu chị vẫn giữ nguyên chức danh, vị trí công việc thì vẫn được hưởng phụ cấp trách nhiệm đối với công việc đó.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi