Tôi hiện đang là thường trú nhân ở Mỹ (tôi có thẻ xanh nhưng chưa nhập quốc tịch Mỹ). Tôi qua Mỹ năm 2015. Năm 2018, tôi về VN và cưới vợ. Vợ tôi thường trú ở Việt Nam. Chúng tôi có 2 con (một đứa sinh năm 2019 và một đứa sinh năm 2021). Và giờ chúng tôi quyết định ly hôn thuận tình và xin tòa được xử ly hôn vắng mặt (tôi không về VN). Nhờ luật sư tư vấn về hồ sơ, thủ tục ly hôn thuận tình trong trường hợp của tôi.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Về nội dung:
Thứ nhất, về việc thuận tình ly hôn:
Căn cứ theo quy định tại Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 55. Thuận tình ly hôn
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”
Theo đó, thủ tục giải quyết ly hôn thuận tình được áp dụng trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.
Do vậy, nếu vợ chồng anh chưa thống nhất được một trong các vấn đề về quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con (cấp dưỡng nuôi con), phân chia tài sản thì không thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình mà một trong các bên cần thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn.
Thứ hai, cấp dưỡng nuôi con:
Căn cứ quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia định 2014 thì: Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Hiện nay pháp luật không có quy định về mức cấp dưỡng tối thiểu/tối đa. Mức cấp dưỡng cụ thể do cha, mẹ thỏa thuận. Trường hợp không thỏa thuận được thì mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định dựa trên nhu cầu của người được cấp dưỡng (độ tuổi, nhu cầu ăn uống, học tập, khám chữa bệnh, mức sống bình quân ở địa phương…) và khả năng của người phải cấp dưỡng (thu nhập, tài sản....).
Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng trong các trường hợp phát sinh sau khi ly hôn (anh mất việc, thay đổi người trực tiếp nuôi con…) về nguyên tắc thì Tòa án sẽ không giải quyết vụ việc trong các trường hợp giả định (chưa phát sinh trên thực tế mang tính chất dự phòng) Khi các sự kiện pháp lý đó xảy ra, các bên có quyền thương lượng, thỏa thuận để đưa ra phương án phù hợp, trường hợp không thương lượng được, một trong hai bên có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết (yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con…)
Tại thời điểm thực hiện thủ tục ly hôn, các bên phải thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Giả sử đã có bản án của Tòa án quyết định giao quyển nuôi con cho người mẹ thì việc cư trú hoặc định cư nước ngoài của con sau khi ly hôn sẽ cần có sự đồng ý của người mẹ tại thời điểm anh đưa ra con nước ngoài định cư.
2. Về thủ tục:
- Về thẩm quyền: Hiện nay anh đang sinh sống tại nước ngoài, không có mặt tại Việt Nam nên vụ việc ly hôn của anh được xác định là có yếu tố nước ngoài. Tòa án có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp tỉnh/thành phố nơi vợ anh đang cư trú tại Việt Nam hoặc TAND cấp tỉnh nơi anh cư trú trước khi ra nước ngoài.
- Hồ sơ ly hôn thuận tình gồm:
+ Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, nuôi con, chia tài sản khi ly hôn (theo mẫu);
+ Giấy đăng ký kết hôn (bản gốc);
+ CMND/CCCD/Hộ chiếu của 2 vợ chồng (bản sao có chứng thực);
+ Sổ hộ khẩu của người vợ để xác định thẩm quyền của tòa án;
+ Giấy khai sinh của các con (bản sao hoặc bản trích lục)
+ Giấy tờ chứng minh tài sản chung (nếu có yêu cầu giải quyết): sổ đỏ, sổ tiết kiệm
+ Đơn đề nghị giải quyết việc dân sự vắng mặt (nếu có);
+ Bản tự khai, trình bày ý kiến về yêu cầu ly hôn, nuôi con, chia tài sản của trong trường hợp vắng mặt.
- Đối với đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn phải theo mẫu. Đơn ly hôn và đơn xin vắng mặt cần làm thành 2 đơn khác nhau.
- Về việc công nhận các giấy tờ, tài liệu gửi cho Tòa án Việt Nam theo quy định tại Khoản 2 Điều 478 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
“2. Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cá nhân cư trú ở nước ngoài lập trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy tờ, tài liệu lập bằng tiếng nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt có công chứng, chứng thực hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật nước ngoài và đã được hợp pháp hóa lãnh sự;
c) Giấy tờ, tài liệu do công dân Việt Nam ở nước ngoài lập bằng tiếng Việt có chữ ký của người lập giấy tờ, tài liệu đó và đã được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, đối với giấy tờ do anh lập bằng tiếng Việt và có chữ ký của anh cần được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối chiếu quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì: cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản.
Do vậy, anh cần đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ để chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ nhân thân của mình (CMND/CCCD/Hộ chiếu…) và chứng thực chữ ký trong Đơn ly hôn, đơn xin vắng mặt, Bản tự khai…
Anh vẫn là công dân Việt Nam, các giấy tờ anh nộp tại Tòa án Việt Nam để yêu cầu giải quyết việc dân sự, cơ quan chứng thực là Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Do vậy ngôn ngữ trên các giấy tờ được lập bằng Tiếng Việt. Các giấy tờ nhân thân do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam lập (CMND vợ, khai sinh của con, đăng ký kết hôn) chỉ cần vợ anh ở tại Việt Nam chuẩn bị và nộp bản gốc/bản sao/bản trích lục.
Trình tự, thủ tục ly hôn thuận tình:
Bước 1: Anh chuẩn bị các hồ sơ theo hướng dẫn nêu trên và chứng thực tại Cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hoa Kỳ. Sau đó gửi hồ sơ về Việt Nam, vợ anh sẽ ký tên trên Đơn ly hôn và hoàn thiện hồ sơ gửi Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Tòa án có thẩm quyền (Tòa án cấp tỉnh nơi vợ đang cư trú hoặc tòa án cấp tỉnh nơi cư trú của anh trước khi ra nước ngoài).
Bước 3: Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, tòa án thông báo đương sự bổ sung. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, tòa án thông báo đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 4: Tòa án giải quyết việc ly hôn vắng mặt theo thủ tục rút gọn mà không có phiên hòa giải giữa vợ và chồng.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: