Tôi có hành vi vi phạm quy chế của cơ quan. Tuy nhiên, 8 tháng sau mới phát hiện sai sót làm ảnh hưởng đến đơn vị. Đơn vị đang xem xét kỷ luật tôi, nhưng tôi đang mang thai. Hỏi: thời hiệu và thời gian xử lý kỷ luật của tôi đến ngày nào? Trong thời gian này tôi làm đơn xin nghỉ việc luôn thì có được giải quyết hay không? Tôi xin cám ơn!
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Thứ nhất, về thời hiệu xử lý kỷ luật:
Theo thông tin chị cung cấp chị đang là công chức và có thực hiện hành vi vi phạm quy chế của đơn vị, tuy nhiên 8 tháng sau khi xảy ra vi phạm thì đơn vị mới phát hiện được hành vi vi phạm này. Đối với vấn đề thời hiệu xử lý kỷ luật công chức, tại Điều 80 Luật cán bộ, công chức 2008 (được sửa đổi bởi Khoản 16 Điều 1 Luật cán bộ, công chức sửa đổi 2019) có quy định như sau:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức
...
16. Sửa đổi, bổ sung Điều 80 như sau:
“Điều 80. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật
1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.
Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thời hiệu xử lý kỷ luật được quy định như sau:
a) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;
b) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.
2. Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:
a) Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;
b) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;
c) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;
d) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
…”
Theo quy định pháp luật nêu trên, thời hiệu để xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách là 02 năm tính từ thời điểm có hành vi vi phạm, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm khác là 05 năm tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Trừ các trường hợp sau không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật: Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Với trường hợp của chị, thời gian chị thực hiện hành vi vi phạm cho đến khi bị phát hiện cách nhau 8 tháng. Mặc dù chưa xác định được cụ thể hành vi vi phạm của chị là gì và ở mức độ nào nhưng theo quy định về thời hiệu nêu trên thì thời hiệu để xử lý kỷ luật với trường hợp của chị vẫn còn.
Về thời hạn xử lý kỷ luật đối với trường hợp của chị, theo quy định tại Khoản 16 Điều 1 Luật cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 thì thời hạn để xử lý kỷ luật là không quá 90 ngày tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan. Trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng không quá 150 ngày.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy thời gian để xử lý kỷ luật chị là 90 ngày (được tính từ ngày đơn vị phát hiện hành vi vi phạm). Trong trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp cần thanh tra, kiểm tra thì thời gian có thể kéo dài tối đa 150 ngày.
Tuy nhiên, do chị đang mang thai, theo quy định tại Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì thuộc trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật. Đồng thời, tại Điểm a Khoản 4 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP cũng quy định thời gian công chức nữ mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi không tính vào thời hạn xử lý kỷ luật.
Từ đó xác định, do chị đang mang thai và sau đó sẽ nuôi con nhỏ, thời gian chị mang thai và thời gian chị nuôi con đến khi con đủ 12 tháng, đơn vị chị tạm thời không được xử lý kỷ luật với chị. Do đó thời hạn xử lý kỷ luật với chị sẽ được tính như sau: 90 ngày tính từ thời điểm chị hết 12 tháng nuôi con nhỏ. Trường hợp vụ việc có tình tiết phức tạp, cần thanh tra, kiểm tra thì thời hạn xử lý kỷ luật là 150 ngày, tính từ thời điểm chị hết 12 tháng nuôi con nhỏ.
Thứ hai, về vấn đề chấm dứt hợp đồng làm việc
Theo thông tin chị cung cấp, trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật, chị có nhu cầu chấm dứt hợp đồng làm việc theo nguyện vọng. Theo quy định tại Điều 59 Luật cán bộ, công chức 2008 có quy định viên chức xin nghỉ việc theo nguyện vọng thì phải có sự đồng ý của đơn vị có thẩm quyền. Đồng thời đối với trường hợp công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật thì không giải quyết thôi việc.
Do vậy, trường hợp chị đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật thì đơn vị có quyền không đồng ý và không giải quyết nguyện vọng chấm dứt hợp đồng làm việc của chị. Trong trường hợp đơn vị có thẩm quyền không đồng ý nguyện vọng tự nguyện chấm dứt hợp đồng của chị nhưng chị vẫn tự ý nghỉ việc thì được xác định chị nghỉ việc trái quy định. Khi đó, chị sẽ không được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho đơn vị theo quy định pháp luật trong trường hợp chị được đơn vị cử đi đào tạo, bồi dưỡng.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: