Tháng 3/2021 tôi (Bên Mua) đã ký HĐ Mua bán (HDMB) với 1 công ty cổ phần (Bên Bán) có địa chỉ trụ sở chính tại quận Đống Đa, Tp. HN để mua 01 căn hộ chung cư.
Do quá hạn bàn giao kéo dài mà Bên Mua chúng tôi không nhận được căn hộ đã mua theo HDMB, Bên Bán vẫn không chịu hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận của Bên Mua thanh toán đủ và đúng tiến độ trước đây. Tôi đã làm hồ sơ khởi kiện Bên Bán gửi Tòa án ND quận Đống Đa để yêu cầu giải quyết theo pháp luật hiện hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.
Tôi xin hỏi:
1- Việc tôi gửi hồ sơ khởi kiện đến Tòa án ND quận Đống Đa và Tòa án ND quận Đống Đa thụ lý vụ án có đúng thẩm quyền của Tòa án không?
2- Tháng 10/2023 Bên Bán chuyển trụ sở chính vào quận Tân Bình Tp.Hồ Chí Minh. Việc Bên Bán yêu cầu Tòa án ND quận Đống Đa Tp. Hà Nội chuyển vụ việc cho Tòa án ND quận Tân Bình Tp. Hồ Chí Minh giải quyết có đúng quy định pháp luật hiện hành về thẩm quyền của Tòa án trong trường hợp của tôi như đã trình bày trên đây hay không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo thông tin anh cung cấp, tháng 3/2021 anh ký hợp đồng mua bán căn hộ với 1 công ty cổ phần có địa chỉ trụ sở chính tại quận Đống Đa, tp. Hà Nội. Về thẩm quyền của tòa án khi tranh chấp xảy ra, căn cứ theo quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì:
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
…
3. Trường hợp vụ án dân sự đã được Tòa án thụ lý và đang giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật này về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ thì phải được Tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự”.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự là tòa án nhân dân nơi bị đơn cư trú, làm việc nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức. Trường hợp vụ án dân sự đã được tòa án thụ lý và giải quyết theo đúng quy định về thẩm quyền của tòa án theo lãnh thổ thì phải được tòa án đó tiếp tục giải quyết mặc dù trong quá trình giải quyết vụ án có sự thay đổi về nơi cư trú, trụ sở hoặc địa chỉ giao dịch của đương sự.
Thời điểm tháng 8/2023, anh khởi kiện ra tòa án nhân dân quận Đống Đa (nơi bị đơn có trụ sở) để yêu cầu giải quyết tranh chấp là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vào tháng 10/2023 bị đơn đã thay đổi trụ sở chính vào Tp. HCM. Đến tháng 3/2024, Tòa án nhân dân quận Đống Đa mới có thông báo thụ lý vụ án. Tức tại thời điểm thụ lý vụ án thì nơi cư trú của bị đơn đã không còn ở quận Đống Đa. Như vậy, căn cứ Khoản 3 Điều 40, Khoản 1 Điều 41 Bộ luật dân sự 2015, tòa án quận Đống Đa không còn thẩm quyền tiếp tục giải quyết vụ án mà phải chuyển vụ việc đã được thụ lý đến tòa án có thẩm quyền.
Tại Điều 40 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quyền lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự trong một số trường hợp đặc biệt:
“Điều 40. Thẩm quyền của Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn, người yêu cầu
1. Nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
b) Nếu tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh tổ chức thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi tổ chức có trụ sở hoặc nơi tổ chức có chi nhánh giải quyết;
c) Nếu bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam hoặc vụ án về tranh chấp việc cấp dưỡng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
d) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra việc gây thiệt hại giải quyết;
đ) Nếu tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với người lao động thì nguyên đơn là người lao động có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết;
e) Nếu tranh chấp phát sinh từ việc sử dụng lao động của người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi người sử dụng lao động là chủ chính cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi người cai thầu, người có vai trò trung gian cư trú, làm việc giải quyết;
g) Nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết;
h) Nếu các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở ở nhiều nơi khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi một trong các bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết;
i) Nếu tranh chấp bất động sản mà bất động sản có ở nhiều địa phương khác nhau thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án nơi có một trong các bất động sản giải quyết.
…”
Như vậy, nếu tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng thì ngoài thẩm quyền giải quyết vụ án theo nơi cư trú của bị đơn thì nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết.
“Nơi hợp đồng được thực hiện” được hiểu là địa điểm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Hợp đồng mua bán căn hộ của anh được giao kết với công ty có trụ sở tại quận Đống Đa, đối tượng của hợp đồng là căn hộ tại quận Thanh Xuân. Do vậy, anh cần căn cứ vào hợp đồng mua bán để xác định một trong các địa điểm thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng để yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại quận Đống Đa là nơi công ty có trụ sở (tại thời điểm giao kết hợp đồng), tuy nhiên, sau đó công ty đã chuyển trụ sở vào TP. HCM. Do vậy, nếu tại trụ sở công ty – quận Đống Đa có phát sinh nghĩa vụ của các bên thì tòa án quận Đống Đa có thẩm quyền tiếp tục giải quyết vụ án.
Trường hợp tại quận Đống Đa không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào từ hợp đồng mua bán thì tòa án quận Đống Đa không có thẩm quyền giải quyết vụ án. Trong trường hợp này, Công ty có nghĩa vụ bàn giao căn hộ cho anh tại quận Thanh Xuân. Do vậy, có thể xác định quận Thanh Xuân là một trong những địa điểm thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng mua bán. Trong trường hợp này, căn cứ Khoản 1 Điều 41 Bộ luật dân sự 2015, Tòa án quận Đống Đa sẽ ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Hiện nay bị đơn đã chuyển trụ sở vào TP. Hồ Chí Minh nên tòa án trong Tp. Hồ Chí Minh cũng có thẩm quyền giải quyết vụ án. Do vậy, nếu như vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án quận Đống Đa (do không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào từ hợp đồng mua bán tại quận Đống Đa) thì anh cần có văn bản lựa chọn tòa án nơi hợp đồng được thực hiện giải quyết tranh chấp để tránh trường hợp tòa án quận Đống Đa chuyển thẩm quyền tòa án giải quyết đến tòa án Tp. Hồ Chí Minh – nơi bị đơn có trụ sở.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: