Bố mẹ tôi tách đất làm sổ đỏ cho chị dâu, nhưng chị dâu đã không làm tròn trách nhiệm, chửi cãi tay đôi với mẹ chồng và tuyên bố sau không thờ cúng cụ.
Nay nguyện vọng của mẹ tôi là cụ muốn thu hồi lại quyền sử dụng đất. Tôi biết cụ không phải vì tài sản mà là vì cụ uất ức cho như vậy người được nhận không xứng đáng. Kính mong Luật sư tư vấn và nói sao mẹ của tôi sẽ làm theo vậy để mẹ tôi thu hồi lại đất .
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Luật Tháng Mười:
Khoản 2 Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.”
Quyền sử dụng đất thuộc tài sản phải đăng ký theo quy định của pháp luật đất đai, vì vậy có thể khẳng định thời điểm chuyển giao quyền sử dụng đất sang cho người khác là thời điểm hoàn thành hồ sơ đăng ký biến động đất đai tại Văn phòng đăng ký đất đai của địa phương nơi có đất.
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay thửa đất đã được tách thửa và hoàn thành thủ tục đăng ký biến động đất đai do tặng cho, sang tên cho người con dâu để người con đâu đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo đó, về mặt pháp lý thì thửa đất đã thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người con dâu.
Thực tế, có rất nhiều trường hợp mà bố mẹ muốn đòi lại đất đã tặng cho các con. Nhưng lại thiếu căn cứ pháp lý về điều kiện đòi lại tài sản nêu trong hợp đồng tặng cho ngay từ ban đầu. Cụ thể:
Giả sử, hợp đồng tặng cho đất giữa bố mẹ với người con dâu là hợp pháp, tức là về hình thức thì hợp đồng này đã được công chứng tại văn phòng công chứng, hoặc chứng thực tại UBND nơi có đất. Tại thời điểm tặng cho đất, các bên đều tự nguyện, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép và đều minh mẫn. Trong trường hợp này, việc yêu cầu hủy bỏ hợp đồng tặng cho đất chỉ đặt ra trong trường hợp việc tặng cho là có điều kiện. Ví dụ, hợp đồng ghi rõ điều kiện tặng cho là con dâu phải chăm sóc, cấp dưỡng bố mẹ và có điều khoản rằng bố mẹ được quyền hủy bỏ hợp đồng tặng cho đất nếu con dâu vi phạm điều kiện này.
Căn cứ pháp lý: Điều 462 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện
1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”
Theo khoản 3 Điều 462 Bộ luật dân sự nêu trên, nếu ngay từ đầu, hợp đồng tặng cho có quy định điều kiện tặng cho mà người con dâu vi phạm điều kiện này, thì nay bố mẹ có quyền đòi lại tài sản.
Do đó, trường hợp của bạn, cần phải rà soát lại các điều khoản của hợp đồng tặng cho để xác định có điều khoản nào quy định về điều kiện tặng cho tài sản hay không?
Nếu việc tặng cho đất đai giữa bố mẹ và con dâu không có bất kỳ điều kiện gì, thì nay không thể đòi lại quyền sử dụng đất từ người con dâu theo phương án kiện đòi tài sản do vi phạm điều kiện tặng cho quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, phương án chứng minh được rằng hợp đồng tặng cho bị vô hiệu, như: các bên không ký kết và công chứng/chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hoặc việc ký kết hợp đồng tặng cho trên cơ sở bố mẹ bị lừa dối, đe dọa, ép buộc thì, lúc này mới có cơ sở đề khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho QSD đất đó bị vô hiệu.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: