Tài sản chung có bị thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?

Tài sản chung có bị thi hành án để thực hiện nghĩa vụ trả nợ không?

2024-10-18 16:11:06 42

Mẹ chồng em có vay tiền và không còn khả năng trả nợ do không có thu nhập, căn nhà mẹ chồng em đang ở một mình và đứng tên một mình ba chồng em thì phần tài sản đó có bị Tòa cưỡng chế để bắt mẹ chồng em trả nợ không? Mẹ chồng em vẫn muốn từ từ trả dần số nợ đó liệu có được không? và nếu không thì mẹ chồng em có bị tội gì không thưa Luật sư?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, đối với vấn đề hoàn trả khoản vay

Theo thông tin chị cung cấp, mẹ chồng chị có vay số tiền là 257 triệu đồng, mẹ chồng chị đã trả số tiền 24 triệu, số tiền còn nợ lại là 233 triệu. Tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Giữa mẹ chồng chị với bên cho vay có phát sinh hợp đồng vay tài sản có lãi do đó theo quy định đã nêu trên thì khi đến thời hạn trả nợ, mẹ chồng chị có trách nhiệm hoàn trả cho bên cho vay số tiền mà mẹ chồng chị đã vay sau khi trừ đi các khoản đã trả trước đó. Trong trường hợp mẹ chồng chị không hoàn trả khoản tiền vay đúng thời hạn và các bên không tự thỏa thuận thêm được về thời gian hoàn trả thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án. Khi đó, việc mẹ chồng chị có được hoàn trả khoản vay theo từng đợt hay phải hoàn trả thành một lần sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận tại tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án Tòa án còn xem xét đến trách nhiệm cùng trả nợ của bố chồng chị nếu mẹ chồng chị vay số tiền này nhằm mục đích đáp ứng cho việc kinh doanh chung hoặc đáp ứng cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình như chữa bệnh, sửa chữa, xây dựng nhà chung…

Việc xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hay không còn phụ thuộc vào quá trình điều tra, xác minh của cơ quan công an. Tuy nhiên, nếu mẹ chồng chị không có hành vi đưa ra các thông tin gian dối, không có hành vi bỏ trốn khi vay tài sản sản và việc mẹ chồng chị không trả được khoản tiền này xuất phát từ lí do mất khả năng thanh toán không còn khả năng hoàn trả đúng hạn thì chưa đủ căn cứ để kết luận mẹ chồng chị có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015.

Thứ hai, về vấn đề cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là căn nhà

Giả sử bản án của Tòa tuyên mẹ chồng chị có nghĩa vụ hoàn trả khoản vay cho bên cho vay đã có hiệu lực nhưng mẹ chồng chị không thực hiện hoàn trả khoản vay theo đúng nội dung bản án thì bên cho vay có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với các tài sản của mẹ chồng chị để thu hồi lại khoản vay. Khi đó, cơ quan thi hành án sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật thi hành án dân sự 2008 để cưỡng chế đối với trường hợp của mẹ chồng chị. Cụ thể các biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:

  • Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
  • Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
  • Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
  • Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
  • Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
  • Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Đối chiếu với trường hợp của mẹ chồng chị, việc có bị xử lý tài sản là căn nhà hay không còn phụ thuộc vào việc tài sản này là tài sản chung của vợ chồng hay đây là tài sản riêng của bố chồng chị đồng thời trách nhiệm trả khoản nợ là nghĩa vụ chung của vợ chồng hay là nghĩa vụ riêng của mẹ chồng chị trong thời kỳ hôn nhân.

Nếu đây là tài sản riêng của bố chồng chị trong thời kỳ hôn nhân (tài sản riêng là các tài sản được hình thành trước thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản do bố chị nhận tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân hoặc tài sản do bố mẹ chồng chị thỏa thuận phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân) và Tòa án xác định nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ riêng của mẹ chồng chị thì không có căn cứ để cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản là căn nhà này.

Nếu đây là tài sản chung của bố mẹ chồng chị trong thời kỳ hôn nhân hoặc Tòa xác định nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ chung của vợ chồng và bố mẹ chồng chị không có thu nhập, tài sản nào khác để thi hành án thì có căn cứ để cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp kê biên tài sản là nhà ở để thi hành án theo quy định tại Điều 95 Luật thi hành án dân sự 2008 như sau:

“1. Việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để thi hành án, trừ trường hợp người phải thi hành án đồng ý kê biên nhà ở để thi hành án.

2. Khi kê biên nhà ở phải kê biên cả quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở. Trường hợp nhà ở gắn liền với đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì Chấp hành viên chỉ kê biên nhà ở và quyền sử dụng đất để thi hành án nếu người có quyền sử dụng đất đồng ý. Trường hợp người có quyền sử dụng đất không đồng ý thì chỉ kê biên nhà ở của người phải thi hành án, nếu việc tách rời nhà ở và đất không làm giảm đáng kể giá trị căn nhà.

…”

Căn cứ theo quy định đã nêu trên, nếu cơ quan thi hành án xác định bố mẹ chồng chị không có tài sản nào khác để thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với nhà ở duy nhất của mẹ chồng chị để đảm bảo thu hồi lại khoản vay theo nội dung bản án đã có hiệu lực của Tòa.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi