Em là Dược sĩ đại học, phụ trách chuyên môn nhà thuốc (sử dụng chứng chỉ mở nhà thuốc) và làm việc tại công ty TNHH phòng khám đa khoa (PKĐK). Phòng khám là công ty TNHH 1 thành viên. Nhà thuốc là chi nhánh của PKĐK, không có con dấu riêng, thuế phụ thuộc do công ty mẹ đóng, em là giám đốc chi nhánh (đúng thủ tục). Có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Ngày 13/01/2024 em có báo với giám đốc ra tết khoảng tháng 3 em rút chứng chỉ, anh tìm người thay có thì cho em biết. Ngày 18/01/2024, giám đốc gọi em lên nói tìm được người rồi, từ mai em không đi làm nữa, kêu kế toán làm lương và phụ cấp bằng trả cho em liền.
Trong nhà thuốc có người thực tập nên để hợp lệ ký giấy cho các bạn thì quyết định nghỉ việc của em đề ngày 01/02/2024. Đến khi trả lương thì chỉ trả lương cho em đến ngày 18/1/2024 và phụ cấp chứng chỉ (tháng 01/2024) vào tài khoản. Đồng thời cuối tháng 01/2024 ngưng BHXH, BHYT.
Tuy nhiên, chứng chỉ hành nghề của em đăng ký cho phòng khám đến ngày 18/03/2024 mới thay tên người mới xong, nhưng công ty không trả tiền chứng chỉ trong thời gian này cho em.
Nay em muốn đòi lại những quyền lợi của mình như sau:
- Tiền chứng chỉ đứng pháp lý nhà thuốc tính đến ngày thay thế được người mới
- Lương tháng 13 (theo hợp đồng).
- Nghỉ phép năm (theo luật lao động), nghỉ Tết Dương lịch (theo hợp đồng).
- Ngưng hợp đồng không báo trước 30 ngày (theo hợp đồng).
- Bồi thường trả chậm.
Em băn khoăn em đòi quyền lợi như thế có đúng và đủ không? Em cần phải làm gì? Trình tự giải quyết tranh chấp như thế nào? Phần trăm đạt được là bao nhiêu?...
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo quy định của pháp luật lao động, khi chấm dứt HĐLĐ, các bên có nghĩa vụ thanh toán hết các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Liên quan đến các quyền lợi mà bạn vướng mắc, chúng tôi tư vấn như sau:
1. Về tiền chứng chỉ đứng pháp lý nhà thuốc
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn làm việc với vị trí giám đốc chi nhánh, phụ trách chuyên môn của nhà thuốc. Ngoài tiền lương, bạn được hưởng một khoản phụ cấp chứng chỉ. Theo quy định của pháp luật lao động thì không có quy định về phụ cấp chứng chỉ, loại phụ cấp này do công ty và người lao động thỏa thuận. Trong trường hợp của bạn, vị trí của bạn là giám đốc chi nhánh và phụ trách chuyên môn, phụ cấp chứng chỉ được hiểu là phụ cấp trách nhiệm cho vị trí phụ trách chuyên môn.
Căn cứ theo quy định tại Mục II Phụ lục I – 1B Thông tư số 02/2018/TT-BYT thì Người quản lý chuyên môn tại quầy thuốc có trách nhiệm:
“- Giám sát hoặc trực tiếp tham gia việc bán các thuốc kê đơn, tư vấn cho người mua.
- Chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp việc pha chế thuốc theo đơn tại nhà thuốc.
…
- Phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở. Trường hợp người quản lý chuyên môn vắng mặt phải ủy quyền bằng văn bản cho người có Chứng chỉ hành nghề dược phù hợp để chịu trách nhiệm chuyên môn theo quy định.
+ Nếu thời gian vắng mặt trên 30 ngày thì người quản lý chuyên môn sau khi ủy quyền phải có văn bản báo cáo Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại nơi cơ sở đang hoạt động.
+ Nếu thời gian vắng mặt trên 180 ngày thì cơ sở phải làm thủ tục đề nghị cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở bán lẻ thuốc. Cơ sở chỉ được phép hoạt động khi đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh mới”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì người quản lý chuyên môn có trách nhiệm giám sát hoặc trực tiếp tham gia việc bán các thuốc kê đơn, tư vấn cho người mua; phải có mặt trong toàn bộ thời gian hoạt động của cơ sở…. Quyết định nghỉ việc của bạn vào ngày 01/2/2024, thời gian hoàn tất các thủ tục để rút chứng chỉ và có người thay thế là ngày 23/03/2024. Tuy nhiên, ngày thực tế làm việc của bạn chỉ đến 18/01/2024, sau ngày 18/01 bạn đã không còn thực hiện các công việc của người phụ trách chuyên môn tại quầy thuốc. Khoản phụ cấp chứng chỉ của người lao động mang tính chất là phụ cấp trách nhiệm cho vị trí phụ trách chuyên môn. Do đó, nếu như thực tế bạn không còn thực hiện các công việc theo vị trí chuyên môn của mình thì không được hưởng khoản phụ cấp này.
2. Về lương tháng 13
Hiện nay Bộ luật lao động 2019 không có quy định về tiền lương tháng 13. Việc chi trả tiền lương tháng 13 cho người lao động căn cứ vào quy chế tiền lương của công ty và thỏa thuận giữa công ty với người lao động. Trường hợp giữa bạn và công ty đã có thỏa thuận về tháng lương 13 trong HĐLĐ thì bạn căn cứ vào thỏa thuận đó để yêu cầu công ty thanh toán lương tháng 13.
3. Ngày nghỉ phép năm, ngày nghỉ Tết Dương lịch
Tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019 quy định về ngày Nghỉ hằng năm:
“1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
...”
Như vậy, trường hợp bạn thôi việc mà chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được công ty thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. Đối với ngày Tết dương lịch, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
4. Về việc bồi thường do không báo trước 30 ngày
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày.
Ngày 13/01/2024 bạn có báo về việc ra tết khoảng 3 tháng sẽ rút chứng chỉ. Tuy nhiên, ngày 18/01/2024, giám đốc đã gọi bạn lên để trao đổi về việc bạn không cần đi làm nữa và sẽ giải quyết các thủ tục nghỉ việc. Do vậy, cần xét xét trường hợp này việc chấm dứt hợp đồng lao động do hai bên thỏa thuận hay là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ từ một bên.
Trong trường hợp giám đốc đề nghị về thời gian nghỉ việc vào ngày 18/01/2024, thời gian ra quyết định nghỉ việc là ngày 01/2/2024. Bạn đồng ý với phương án đó, không có ý kiến phản đối và trên thực tế bạn cũng chỉ làm việc đến hết ngày 18/01/2024 rồi nghỉ việc thì việc chấm dứt hợp đồng lao động là do hai bên thỏa thuận (theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật lao động 2019). Khi hợp đồng lao động chấm dứt do hai bên thỏa thuận thì bạn không có căn cứ yêu cầu bồi thường 30 ngày lương do vi phạm thời hạn báo trước.
Trường hợp khi giám đốc đề nghị thời gian nghỉ việc vào ngày 18/01/2024, bạn đã có ý kiến không đồng ý với phương án này nhưng công ty vẫn yêu cầu bạn phải nghỉ việc ngay thì đây là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của công ty. Bạn có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định tại Điều 41 Bộ luật lao động 2019:
“Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động”.
5. Về việc bồi thường do chậm trả:
Điều 48 Bộ luật lao động 2019 quy định về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động:
“1. Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
...”
Như vậy, trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày. Trong trường hợp của bạn, ngày chấm dứt hợp đồng lao động là 01/02/2024, công ty hẹn ngày 03/02/2024 trả lương và phụ cấp là phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp chậm trả, theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động 2019:
“4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”.
Như vậy, trường hợp công ty chậm trả lương từ 15 ngày trở lên thì bạn có quyền yêu cầu công ty trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: