Ông nội tôi mất có để lại tài sản là một mảnh đất. Ông bà có 8 người con: 3 trai, 5 gái. Ông tôi mất trước, khi bà tôi còn sống có chia đất cho ba tôi và 2 người chú và 1 cô chưa chồng và đã làm giấy tờ xong hết.
Ba và mẹ tôi có 2 người con (có đăng ký kết hôn nhưng giờ bị lạc mất), ba tôi có 2 người con riêng, trên giấy khai sinh đều có tên ba tôi.
- Mẹ tôi mất trước khi ba tôi có miếng đất.
- Anh tôi mất trước ba tôi nhưng sau khi ba tôi có miếng đất (anh tôi không có gia đình).
- Ông bà ngoại tôi đều mất trước ba tôi.
Ba tôi bị đột quỵ qua đời không để lại di chúc, hiện tài sản đứng tên ba tôi có 1 miếng đất nêu trên và cuốn sổ tiết kiệm. Vậy công ty cho tôi hỏi theo luật thừa kế thì chia tài sản như thế nào? Vì tính trên pháp lý thì tôi là người chung hộ khẩu với ba tôi. Vậy 2 người con riêng của ba tôi có được hưởng hay không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Thứ nhất, xác định di sản thừa kế là tài sản riêng của người bố:
Với thông tin chị cung cấp, chúng tôi xác định nguồn gốc thửa đất mà bố chị để lại, được bà nội của chị tặng cho và phân chia sau khi ông nội của chị mất. Giả sử việc bà nội chị phân chia trong trường hợp này đã có sự đồng ý của cả 8 người con đẻ, theo đó xác định việc bà nội chị phân chia đất cho bố của chị vào thời điểm này là hợp pháp.
Tại thời điểm tặng cho, phân chia đất thì mẹ của chị đã mất, quan hệ hôn nhân cũng chấm dứt. Do đó, sẽ xác định bố của chị được tặng cho riêng, được thừa kế riêng.
Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Vì vậy, xác định rằng đây không phải tài sản chung của bố mẹ chị mà chỉ là tài sản riêng của người bố. Do bố của chị mất không để lại di chúc, vì vậy, di sản là toàn bộ thửa đất này, cũng như số tiền tiết kiệm của người bố để lại trước khi mất, sẽ được xác định là di sản thừa kế, được phân chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
Thứ hai, xác định hàng thừa kế được phân chia di sản theo pháp luật:
Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Người thừa kế phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định này, con đẻ của người chết đương nhiên được xác định là người có quyền thừa kế, không phụ thuộc vào việc có đăng ký cùng một hộ khẩu thường trú hay không?
Việc ghi tên trong gia phả chỉ là truyền thống, tập quán của dòng họ,vùng miền. Căn cứ pháp lý để chứng minh qua hệ cha – con đó là Giấy khai sinh. Trong trường hợp này, phải xác định 2 người con riêng cũng là con đẻ (thể hiện tại Giấy khai sinh), và được hưởng thừa kế đối với di sản mà bố chị để lại.
Do anh trai của chị mất trước khi bố chị mất, hơn nữa người anh trai này cũng không có vợ và con. Vì thế không phát sinh người thừa kế thế vị trong tình huống này.
Ngoài ra, cũng cần xác định bố chị có chung sống với ai công khai như vợ chồng để được công nhận quan hệ hôn nhân thực tế (tức là không cần đăng ký kết hôn) hay không?
Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, nếu sau khi mẹ chị mất mà bố của chị chung sống như vợ chồng với người khác. Việc chung sống như vợ chồng này bắt đầu từ trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng ký kết hôn, thì cũng được công nhận là vợ chồng hợp pháp. Tuy nhiên, do chị không cung cấp thông tin thời điểm mẹ chị mất, cũng như thời điểm bố chị chung sống với những người phụ nữ sau như thế nào, nên chúng tôi mặc định là không tồn tại quan hệ hôn nhân thực tế giữa bố chị và những người này.
Với các thông tin về việc anh trai của chị, ông bà nội, ông bà ngoại và mẹ của chị đều mất trước khi bố của chị mất. Vì vậy, tại thời điểm người bố mất (thời điểm mở thừa kế), thì hàng thừa kế thứ nhất chỉ còn lại 3 người con đẻ (trong đó gồm chị và 2 người con riêng).
Toàn bộ thửa đất được xác định là tài sản riêng của bố chị, và sẽ được chia đều cho những người thừa kế, mỗi người được hưởng 1/3 diện tích thửa đất. Trường hợp thửa đất có đủ diện tích để tách thành 3 thửa cho 3 người con, thì các bên có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản, đo đạc thửa đất để thực hiện việc tách thửa. Trường hợp thửa đất không đủ diện tích tối thiểu để tách thành 3 thửa, thì các bên có thể thỏa thuận người hưởng thừa kế bằng hiện vật và thanh toán bằng tiền cho người thừa kế khác.
Đối với di sản thừa kế là số tiền tiết kiệm, cũng được phân chia thành 3 phần bằng nhau cho 3 người con đẻ.
Trong trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì trong thời hiệu yêu cầu phân chia di sản, một trong 3 người con đẻ này đều có quyền khởi kiện tại tòa án nhân dân để yêu cầu tòa án phân chia di sản.
Thời hiệu yêu cầu phân chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, đối với động sản là 10 năm, kể từ thời điểm bố của chị mất.
Một số loại giấy tờ cần thiết để thực hiện được việc phân chia thừa kế theo nội dung tư vấn nêu trên gồm:
-
Giấy khai sinh của những người con đẻ;
-
Giấy chứng tử của người bố, của ông bà nội, của người anh trai và của người mẹ.
-
Giấy tờ chứng minh quan hệ vợ chồng giữa bố mẹ chị: Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc trích lục giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ chị.
-
Bản sao Giấy chứng nhận QSD đất đứng tên người bố, trường hợp giấy tờ đang do văn phòng đăng ký đất đai giữ thì 3 người thừa kế có thể lập văn bản ủy quyền.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: