Phân chia di sản thừa kế khi có mẹ già và con nhỏ

Phân chia di sản thừa kế khi có mẹ già và con nhỏ

2024-08-21 10:47:41 87

Hai vợ chồng tôi có 1 căn nhà và 2 mảnh đất, đã có sổ đỏ đứng tên cả 2 vợ chồng. Có 1 xe ô tô đứng tên tôi. Tất cả tài sản là có được trong thời kỳ hôn nhân.Tháng 12/2022 vợ tôi bị bệnh nên mất, trước khi mất không có di chúc gì cả. Nay tôi muốn bán 01 mảnh đất và xe ô tô để giải quyết công việc và thế chấp nhà đang ở để vay tiền ngân hàng thì thủ tục thế nào, Xin Luật sư tư vấn giúp. (Vợ tôi còn mẹ đẻ năm nay 85 tuổi, và 2 anh trai nhưng đang ở nước ngoài. 2 vợ chồng tôi có 2 con trai, 1 cháu lớn 20 tuổi đang học ở nước ngoài, 1 cháu nhỏ năm nay 14 tuổi ở với tôi).

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin anh cung cấp thì tài sản gồm: 01 căn nhà, 02 mảnh đất và 01 xe ô tô đều là tài sản chung của vợ chồng anh trong thời kỳ hôn nhân. Do vậy, khi vợ anh mất vào tháng 12/2022, một phần hai tài sản trong khối tài sản chung của hai vợ chồng được xác định là di sản thừa kế của vợ anh để lại.Vợ anh mất không có di chúc nên di sản thừa kế của vợ anh sẽ được chia theo pháp luật.

Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Theo thông tin anh cung cấp thì hàng thừa kế thứ nhất của vợ anh hiện nay gồm có: Người mẹ 85 tuổi, anh và 2 người con. Di sản thừa kế của vợ anh sẽ được chia đều cho 4 người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của vợ anh, mỗi người được hưởng một phần bằng nhau.

Hiện nay, nếu như anh muốn bán 01 mảnh đất và xe ô tô hay thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng thì trước hết cần phải có sự thỏa thuận với những người thừa kế khác và làm thủ tục phân chia di sản thừa sản thừa kế.

Trường hợp gia đình thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế thì có thể làm thủ tục phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng, hồ sơ gia đình cần chuẩn bị để yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bao gồm:

  • Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (nếu có);
  • Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu, sổ hộ khẩu của người yêu cầu công chứng (những người thừa kế);
  • Giấy tờ chứng minh tài sản (Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký xe ô tô…);
  • Giấy chứng tử của người để lại di sản; Giấy chứng tử của người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã chết (của bố vợ);
  • Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế của những người thừa kế (Bản sao Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn…).

Khi thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế tại văn phòng công chứng, anh có thể sẽ gặp phải một số khó khăn sau:

  • Đối với người mẹ, nếu người mẹ không có nhu cần nhận di sản thừa kế thì có thể làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Trường hợp người mẹ nhận thừa kế thì cùng anh làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Tuy nhiên, các thủ tục này cần xem xét người mẹ 85 tuổi có còn minh mẫn hay không. Nếu người mẹ không cón minh mẫn thì không thể thực hiện thủ tục phân chia di sản tại VPCC.
  • Đối với người con chưa thành niên, anh sẽ là người đại diện cho con để thực hiện thủ tục phân chia và quản lý di sản thừa kế. Đối với phần di sản thừa kế của người con anh có quyền quản lý, tuy nhiên để định đoạt (mua bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, thế chấp…) có thể sẽ bị hạn chế vì anh phải chứng minh được việc định đoạt tài sản là vì lợi ích của con.
  • Đối với người con ở nước ngoài, nếu không thể về Việt Nam để thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế thì có thể làm văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu không có nhu cầu hưởng thừa kế) hoặc làm văn bản ủy quyền thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế cho một người ở Việt Nam thực hiện. Các văn bản này được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán, lãnh sự quán) của Việt Nam tại nước ngoài.

Trường hợp gia đình không tự thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế hoặc vướng mắc một số thủ tục, hồ sơ giấy tờ thì có thể phải khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Sau khi được phân chia di sản thừa kế, anh có quyền tự định đoạt tài sản của mình (mua bán, chuyển nhượng, thế chấp…), đối với phần tài sản của người con chưa thành niên, anh chỉ có quyền định đoạt khi chứng minh được việc định đoạt tài sản là vì lợi ích của con.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi