Tôi muốn tư vấn trường hợp của gia đình mình như sau:
Chồng tôi quốc tịch Thụy Sĩ. Tôi mang 2 quốc tịch Việt Nam và Thụy Sĩ. Hai vợ chồng tôi chuyển về VN sinh sống. Tôi có thừa hưởng của gia đình một mảnh đất và sẽ xây dựng nhà trên mảnh đất đó trong năm 2024. Mảnh đất ở tại đô thị hiện tại do tôi đứng tên sở hữu.
Xin hỏi: Trong trường hợp tôi qua đời trước nếu tôi viết di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chồng mình (mang quốc tịch nước ngoài), anh ấy sẽ có khó khăn gì không trong việc thừa kế tài sản đó? Cụ thể là căn nhà cùng toàn bộ tài sản gắn với ngôi nhà và xe hơi. Chồng tôi sẽ phải làm thủ tục gì để nhận quyền thừa kế? Theo pháp luật VN, chồng tôi có được phép bán khối tài sản đó và chuyển tiền ra nước ngoài không?
Rất mong sự tư vấn rõ ràng của các bạn. Chân thành cảm ơn
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Thứ nhất, quyền hưởng thừa kế của người nước ngoài đối với tài sản tại Việt Nam.
Về pháp luật áp dụng, Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.”
Theo quy định trên, tài sản thừa kế trong trường hợp này là nhà và đất tại Việt Nam nên việc thừa kế được tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong đó, tại Điều 234 Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Điều 609, 610 BLDS quy định cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản thừa kế, theo đó pháp luật không giới hạn điều kiện về người được nhận thừa kế nên bất kỳ ai cũng có quyền được thừa kế tài sản, kể cả đó là người nước ngoài.
- Quy định về nhận thừa kế đối với tài sản là nhà, đất:
Hiện nay, theo quy định của Luật đất đai 2024 thì người nước ngoài không phải là chủ thể có quyền sử dụng đất. Cụ thể, tại Điều 4 Luật đất đai 2024, liệt kê tất cả các đối tượng có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất (trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài), tuy nhiên không liệt kê đối tượng là người nước ngoài.
Như vậy, với trường hợp chị để lại di sản thừa kế là nhà, đất (nguồn gốc do chị được thừa kế, tặng cho từ bố mẹ ruột của chị), thì khi người chồng thực hiện các thủ tục để được nhận thừa kế di sản này, sẽ không được quyền trực tiếp đứng tên trên Giấy chứng nhận QSD đất mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật đất đai 2024 như sau:
“3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
a) Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;
b) Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
c) Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính”.
Theo quy định trên, mặc dù chồng của chị không được đứng tên trên Giấy chứng nhận QSD đất, tuy nhiên vẫn có quyền chuyển nhượng hoặc tặng cho nhà đất này cho người khác. Trong đó, chồng chị được đứng tên là bên chuyển nhượng/bên tặng cho trong hợp đồng.
Về thủ tục nhận thừa kế trong trường hợp này sẽ không gặp khó khăn pháp lý, chồng chị căn cứ và di chúc do chị lập, để liên hệ làm thủ tục lập hợp đồng và công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất cho bên thứ ba tại các văn phòng công chứng trên địa bàn có đất.
- Nhận thừa kế đối với tài sản là xe ô tô:
Theo quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA về đăng ký xe, thì đối với chủ xe là người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam, được thực hiện các thủ tục đăng ký xe để đứng tên trên Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô.
Vì vậy, nếu chồng chị có quyền thừa kế và thực hiện đăng ký xe theo các thủ tục hành chính thông thường quy định tại Thông tư 24/2023/TT-BCA để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô. Trường hợp muốn bán xe thì thực hiện lập hợp đồng mua bán và công chứng hợp đồng mua bán xe tại các tổ chức công chứng.
Thứ hai, về việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Số tiền thu được từ việc chuyển nhượng nhà, đất hoặc từ việc bán xe ô tô nêu trên, được xác định là khoản thu lợi hợp pháp phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Pháp lệnh ngoại hối 2005, sửa đổi bổ sung 2014 thì: “Người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài có ngoại tệ trên tài khoản được chuyển ra nước ngoài; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.”
Mặt khác, theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối 2005 và Thông tư số 16/2014/TT-NHNN của Ngân hàng nhà nước, chồng chị được quyền mở tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam tại các tổ chức tín dụng để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam, để mua ngoại tệ để chuyển tiền ra nước ngoài. Chỉ cần đảm bảo các khoản tiền bằng đồng Việt Nam, các nguồn ngoại tệ mà chồng chị thu được trên lãnh thổ Việt Nam là nguồn thu hợp pháp.
Như vậy, toàn bộ số tiền thu được từ việc chuyển nhượng nhà đất, xe ô tô là những nguồn thu hợp pháp, bởi vì đây đều là các tài sản mà chồng chị được thừa kế từ người vợ.
Theo đó, người chồng có quyền chuyển các khoản tiền hợp pháp này ra nước ngoài mà không bị hạn chế hoặc bị cấm bởi pháp luật Việt Nam. Thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài hầu như không gặp khó khăn hoặc trở ngại pháp lý, bởi vì từ năm 2005, Việt Nam đã quy định cho phép người nước ngoài mở tài khoản tại Việt Nam và chuyển tiền ra nước ngoài. Quy định này được thực hiện gần 20 năm, qua nhiều lần sửa đổi pháp lệnh ngoại hối, đến nay cũng cơ bản hoàn thiện và khả thi trên thực tế.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: