Người lao động có quyền đơn phương tạm hoãn hợp đồng lao động không?

Người lao động có quyền đơn phương tạm hoãn hợp đồng lao động không?

2024-12-16 14:03:59 27

Tôi đi làm 15 năm, biên chế viên chức được 11 năm thì bệnh viện cổ phần hóa. Hiện nay tôi không còn ở chế độ viên chức nữa. Vậy nay tôi có quyền xin tạm hoãn hợp đồng lao động 1 năm không? Công ty cổ phần mới có trách nhiệm giải quyết đơn này cho tôi không? Công ty tôi đang cho rằng "về bản chất, tạm hoãn hợp đồng lao động giống như là nghỉ không lương, hiện tại Công ty không có chủ trương giải quyết nghỉ không lương" thì có hợp pháp không? Tôi thấy không hợp lý khi cho rằng 2 việc tạm hoãn hợp đồng lao động và nghỉ không lương là giống nhau, để quy về quyền " không giải quyết nghỉ không lương". Kính xin Luật sư giải đáp giúp, xin trân trọng cảm ơn.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Theo thông tin chị cung cấp thì bệnh viện nơi chị đang làm việc đã cổ phần hóa, hiện nay chị đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, do vậy, quan hệ lao động giữa chị và công ty chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động 2019

Về việc nghỉ không hưởng lương hay tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, Bộ luật lao động 2019 có quy định như sau:

Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 115 quy định về việc nghỉ không hưởng lương:

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương”.

Như vậy, ngoài các trường hợp được nghỉ không hưởng lương 01 ngày theo khoản 2 nêu trên thì người lao động muốn nghỉ không hưởng lương cần có sự thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Tại Điều 30 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động:

“Điều 30. Tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động

1. Các trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:

a) Người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ;

b) Người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

c) Người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc cơ sở giáo dục bắt buộc;

d) Lao động nữ mang thai theo quy định tạiĐiều 138 của Bộ luật này;

đ) Người lao động được bổ nhiệm làm người quản lý doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;

e) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

g) Người lao động được ủy quyền để thực hiện quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phần vốn của doanh nghiệp đầu tư tại doanh nghiệp khác;

h) Trường hợp khác do hai bên thỏa thuận.

2. Trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác”.

Theo quy định nêu trên thì chỉ trong các trường hợp người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự; người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; người lao động phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, lao động nữ mang thai có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì mới có quyền tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Nếu không có một trong các căn cứ nêu trên thì việc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động phải do hai bên thỏa thuận.

Có thể thấy, việc chị muốn nghỉ không hưởng lương hay tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động mà không có một trong các lý do nêu tại khoản 2 Điều 115; Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động 2019 thì cần có sự thỏa thuận với công ty. Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật lao động 2019:

“Điều 33. Sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động

1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

2. Trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

3. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết”.

Như vậy, trong trường hợp chị yêu cầu được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hay nghỉ không hưởng lương thì công ty hoàn toàn có quyền căn cứ vào nhu cầu sản xuất, kinh doanh của công ty để từ chối yêu cầu của chị. Trong trường hợp này, công ty và người lao động sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết. Do vậy, chị không có căn cứ để khởi kiện buộc công ty đồng ý yêu cầu được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của chị.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi