Người lao động bị khởi tố hình sự thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động được không?

Người lao động bị khởi tố hình sự thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động được không?

2024-08-20 13:57:16 94

Cơ quan mình có 1 nhân viên tham gia đánh bạc bị công an bắt tạm giữ 7 ngày và cho tại ngoại đến nay đã 4 tháng. Đã có quyết định khởi tố vụ án và đang chờ toà án xét xử. Về phía cơ quan từ ngày xảy ra vụ việc không giao bất cứ việc gì, vẫn tạo điều kiện cho đ/c đi lại cơ quan và cho hưởng lương cơ bản, thời gian hưởng lương 3 tháng.

Hiện nay sang tháng thứ 4 cơ quan muốn dừng hỗ trợ thì có vi phạm luật lao động không? Việc xử lý đối với đồng chí này về Đảng thì như thế nào? Và đối với cơ quan ra sao?

Người được tại ngoại trước khi về có quyết định tại ngoại không? Có bị cấm đi khỏi nơi cư trú không? Khi tại ngoại phải báo cáo như thế nào?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin anh cung cấp thì đơn vị anh là Quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật Hợp tác xã. Do vậy, quan hệ lao động giữa các bên chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động, cụ thể là Bộ luật lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trường hợp người lao động của đơn vị có hành vi đánh bạc và đã bị khởi tố, đang trong thời gian chuẩn bị xét xử thì trách nhiệm và quyền lợi của người lao động được giải quyết như sau:

1. Về tiền lương của NLĐ trong thời gian điều tra, chờ xét xử

Căn cứ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động

1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.

2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.

3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.

4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tạikhoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.

9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.

10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.

11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.

12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

13. Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc”.

Theo đó, trường hợp NLĐ đang trong thời gian điều tra, chuẩn bị xét xử không thuộc trường hợp chấm dứt HĐLĐ. Chỉ khi NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án thì HĐLĐ mới đương nhiên chấm dứt.

Đồng thời, theo Điểm b Khoản 1 Điều 30 Bộ luật lao động 2019, trường hợp NLĐ bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, trong thời gian chưa có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, người lao động cũng không bị tạm giam, tạm giữ thì không có căn cứ chấm dứt HĐLĐ hoặc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ.

Ngoài ra, đơn vị cũng chỉ có quyền tạm đình chỉ công việc không quá 15 ngày (trường hợp đặc biệt không quá 90 ngày) trong trường hợp quy định tại Điều 128 Bộ luật lao động 2019:

“Điều 128. Tạm đình chỉ công việc

1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.

Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.

4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc”.

Với thông tin anh cung cấp thì người lao động có hành vi đánh bạc, tuy nhiên hành vi này không xảy ra tại nơi làm việc, do đó công ty không có căn cứ để xem xét xử lý kỷ luật lao động và không có căn cứ để tạm đình chỉ công việc của NLĐ.

Như vậy:

- Trường hợp này cơ quan chưa có căn cứ để chấm dứt, tạm hoãn, đình chỉ công việc của NLĐ. Hợp đồng lao động vẫn được tiếp tục thực hiện nên NLĐ vẫn được hưởng đầy đủ tiền lương. Trường hợp các bên có thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương (NLĐ tự nguyện) thì căn cứ theo thỏa thuận của các bên.

- Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu NLĐ bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án đã có hiệu lực pháp luật thì HĐLĐ đương nhiên chấm dứt. Trường hợp NLĐ bị kết án nhưng được hưởng án treo thì hợp đồng lao động vẫn được tiếp tục thực hiện.

2. Về việc xử lý kỷ luật Đảng viên:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 2 Quy định 102/QĐ-TW ngày 15/11/2017, được hướng dẫn tại Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW thì:

“Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp ”,

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.

- Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của tòa án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì tòa án phải sao gửi bản án đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, Ủy ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.

Như vậy, khi Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu TNHS thì phải truy cứu TNHS, không xử lý nội bộ.

  • Nếu bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ.
  • Nếu bị xử phạt bằng hình thức phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu TNHS, bị xử phật hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp.

Về quy trình xử lý kỷ luật, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của tòa án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì tòa án phải sao gửi bản án đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.

3. Quy định về việc bảo lĩnh tại ngoại:

Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:

“1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.

3. Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:

a) Có mặt theo giấy triệu tập, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan;

b) Không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội;

c) Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; không tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

Trường hợp bị can, bị cáo vi phạm nghĩa vụ cam đoan quy định tại khoản này thì bị tạm giam.

…”

Theo đó, bảo lĩnh tại ngoại là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Bị can, bị cáo được bảo lĩnh phải làm giấy cam đoan sẽ có mặt theo giấy triệu tập (trừ trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan), không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội…

Như vậy, bị can, bị cáo được bảo lĩnh khi muốn rời khỏi nơi cư trú cần có thông báo gửi đến cơ quan công an.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 286 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

4. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế được giao cho bị can, bị cáo, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ sở giam giữ nơi bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định”.

Như vậy, trường hợp bị can, bị cáo đang bị tạm giam được thay đổi biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh tại ngoại thì quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn phải được giao cho bị can, bị cáo trong thời gian 24h kể từ khi ra quyết định.

Tuy nhiên, theo thông tin anh cung cấp, NLĐ cơ quan anh bị công an bắt và “giam” (thời gian 9 ngày). Với các thông tin này chúng tôi hiểu thời gian này có thể chỉ là thời gian tạm giữ (áp dụng đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã). Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.

2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.

Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.

3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.

Như vậy, thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày và có thể gia hạn 02 lần, mỗi lần không quá 03 ngày. Như vậy, thời hạn tạm giữ sau khi được gia hạn tối đa là 9 ngày. Về nguyên tắc thì Quyết định tạm giữ phải ghi rõ ngày hết thời hạn tạm giữ và phải giao quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ (Khoản 2 Điều 117 Bộ luật tố tụng hình sự 2015).

Khi hết thời hạn tạm giữ mà không có quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác thì phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ mà không cần có quyết định hủy bỏ hay chấm dứt quyết định tạm giữ. Do vậy, trong trường hợp được trả tự do khi hết thời hạn tạm giữ thì sẽ không có quyết định trả tự do hay quyết định tại ngoại.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  chấm dứt HĐLĐ

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi