Ông T có 2 đám đất, đám đất thứ nhất là đất của hộ gia đình và ông T là người đứng tên chủ hộ; đám đất 2 do ông T đứng tên một mình. Vì lý do cần vốn mở rộng kinh doanh nên ông T đã đem đất thế chấp ngân hàng cả hai mảnh đất. lúc ký kết vay vốn với ngân hàng thì chỉ có một mình ông T đứng tên trong hợp đồng tín dụng. Vợ ông T và các con không đồng tình nhưng ông T vẫn kiên quyết thế chấp đất vay vốn ngân hàng. Ngân hàng vẫn tiến hành cho ông T vay vốn và trong hợp đồng tín dụng chỉ có chữ ký của một mình ông T không có chữ ký của vợ và các con ông.
Vậy xin hỏi:
1. Vợ ông T không ký tên vào hợp đồng tín dụng vậy sau này bà vợ ông T có phải gánh trách nhiệm trả nợ ngân hàng không?
2. Đất do ông T đem thế chấp tài sản như vậy có hợp pháp không và hậu quả ra sau (tài sản hình thành sau khi kết hôn hoặc trước khi kết hôn thì xử lý như thế nào)?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Luật Tháng Mười:
Thứ nhất, về nghĩa vụ chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
…
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Theo đó, để xác định vợ ông T có phải chịu trách nhiệm đối với khoản vay tín dụng của ông T hay không thì cần xác định hoạt hoạt động kinh doanh của ông T là hình thức kinh doanh riêng (tài sản riêng) hay hai vợ, chồng ông T cùng nhau hoạt động kinh doanh.
+Trường hợp hai vợ, chồng cùng nhau kinh doanh thì việc ông T ký hợp đồng vay tín dụng mà không có sự đồng ý của người vợ nhưng chứng minh được khoản vay nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh trên, nhằm duy trì hoạt động sản xuất thì vẫn được xác định đây là khoản nghĩa vụ chung của hai, vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Nên vợ ông T cũng sẽ có trách nhiệm liên đới cùng với ông T trong việc chi trả khoản nợ tín dụng ngân hàng.
+Trường hợp là hoạt động kinh doanh riêng của ông T và khoản vay tín dụng trên phục vụ cho mở rộng hoạt động kinh doanh riêng đó, không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu gia đình. Nên đây là nghĩa vụ riêng mà ông T phải tự chịu trách nhiệm tri trả trong phạm vi tài sản riêng của ông, còn vợ ông T không có nghĩa vụ liên đới trả nợ cùng.
Thứ hai, gía trị pháp lý của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.
Theo thông tin cung cấp thì hợp đồng thế chấp mà ông T thực hiện với phía ngân hàng bao gồm một quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình và và một quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân. Nên sẽ xác định giá trị pháp lý đối với từng hợp đồng thế chấp.
+Đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình.
Theo quy định của Luật đất đai năm 2024 về công chứng hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
…
25. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Điều 27. Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
…
3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
…
Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT quy định chi tiết một số Điều của nghị định số 43/2014/NĐ-CP .
Điều 14. Quy định bổ sung về nộp hồ sơ, thủ tục khi đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
...
5. Người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ được thực hiện việc ký hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi đã được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản và văn bản đó đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Như vậy, vì QSDĐ trên của ông T đứng tên hộ gia đình nên khi thực hiện giao dịch thế chấp bắt buộc phải có sự đồng ý của tất cả thành viên có tên trong hộ khẩu vào thời điểm được cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Theo đó, cần xác định thời điểm cấp sổ có những thành viên nào trong hộ, nếu vợ con ông T đều có tên trong đó thì đương nhiên giao dịch thế chấp chỉ có cá nhân ông T ký mà không đồng ý bằng văn bản của các thành viên khác cho ông T thực hiện thì hợp đồng thế chấp đó là trái quy định pháp luật và không có giá trị pháp lý.
Theo đó, hậu quả pháp lý cho giao dịch vô hiệu trên theo quy định của Bộ luật dân sự là hợp đồng thế chấp sẽ bị hủy và quyền sử dụng đất trên sẽ không còn được xác định là tài sản đảm bảo cho phía ngân hàng để thi hành án khi đến hạn trả mà ông T không thực hiện được nghĩa vụ. Đồng thời, quyền sử dụng đất sẽ phải khôi phục và trao trả lại cho phía gia đình ông T.
+ Đối với hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất do ông T đứng tên.
Với quyền sử dụng đất này cần xác định là tài sản riêng hay tài sản chung của hai vợ chồng ông T. Trường hợp là tài sản chung vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân thì việc định đoạt cũng phải có sự đồng ý của người vợ. Tức giao dịch thế chấp do cá nhân ông T ký mà không có sự đồng ý của người vợ thì giao dịch xác định vô hiệu. Cụ thể, Điều 35 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản riêng (có thể hình thành trước thời kỳ hôn nhân hoặc được tặng cho, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân) thì theo quy định ông T có toàn quyền định đoạt. Cụ thể:
Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
1. Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
…
Tức giao dich thế chấp mà ông T thực hiện khi không có sự đồng ý của vợ và các con nhưng đảm bảo tuân thủ thực hiện đúng trình tự thủ tục về đăng ký thế chấp từ công chứng hợp đồng đến hoàn thành hồ sơ đăng ký thế chấp tại Sở tài nguyên và môi trường thì giao dịch được xác định hợp pháp.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: