Công ty tôi đang bị tạm giữ lô hàng thủy sản đông lạnh gồm: cá thu và 1 số loài cá tạp khác, khối lượng khoảng 7 tấn, trị giá tang vật ước tính 400.000.000 đồng. Công ty tôi không xuất trình được các giấy tờ về nguồn gốc xuất xứ (không có hồ sơ thủy sản theo quy định.
Qua giám định thì số cá trên không nằm trong nhóm I, nhóm II Danh mục loài thủy sản nguy cấp quý hiếm theo nghị định 26/2019/NĐ-CP và không nằm trong Phụ lục I, II của công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (công ước Sites). Hiện cơ quan chức năng đang xem xét xử phạt theo các văn bản sau:
1. Xử phạt VPHC về hành vi: thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định. Quy định tại khoản 3 điều 41 nghị định 38/2024/NĐ-CP. Phạt: 35.000.000 đ và trả lại tang vật cho chủ sở hữu;
2. Vi phạm xảy ra trên biển nên xử phạt VPHC về hành vi: vận chuyển, mua bán hàng hóa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ … quy định tại điểm e khoản 2 điều 15 nghị định 162/2013/NĐ-CĐ và tịch thu tang vật.
3. Xử phạt VPHC về hành vi: kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quy định tại điểm khoản 11 điều 17 nghị định 98/2020/NĐ-CP và tich thu tang vật.
4. Xử phạt VPHC về hành vi: tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Quy định tại điểm g, khoản 1, điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP.
Vậy áp dụng cơ quan chức năng sẽ áp dụng nghị định nào để xử phạt đối với hành vi trên cho phù hợp.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Tại điều luật trên thì hành vi vi phạm hành chính phải có căn cứ người thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật.
1. Khoản 3 điều 41 nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định hành vi vận chuyển thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.
“Điều 41. Vi phạm quy định về thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản
…
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp hoặc loài thủy sản không có tên trong Danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật”.
2. Điểm e khoản 2 điều 15 nghị định 162/2013/NĐ-CP Quy định hành vi vận chuyển hàng hóa trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa
“Điều 15. Vi phạm quy định về vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa trái phép trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
…
2. Phạt tiền đối với hành vi vận chuyển, mua bán, trao đổi, sang mạn hàng hóa không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa hoặc đối với hàng hóa kinh doanh, vận chuyển có điều kiện mà tại thời điểm kiểm tra, không có hoặc không đầy đủ giấy tờ đi liền, kèm theo để chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa đó như sau:
e) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với trường hợp hàng hóa có giá trị trên 100.000.000 đồng mà không truy cứu trách nhiệm hình sự.”
3. Theo quy định tại khoản 11 điều 17 nghị định 98/2020/NĐ-CP mô tả hành vi vi phạm việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, theo hướng dẫn tại khoản 13 điều 3 nghị định này thì “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
“Điều 17. Hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác
…
c) Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;
d) Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
…
11. Phạt tiền từ 40.000 000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.”
4. Điểm g, khoản 1, điều 13 Nghị định số 96/2020/NĐ-CP quy định hành vi vận chuyển hàng hóa không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ở khu vực biên giới.
“Điều 13. Vi phạm các quy định về tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới
1. Tàng trữ, mua bán, vận chuyển, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới mà tại thời điểm kiểm tra không có giấy tờ, không đầy đủ giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa:
…
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;"
Nhận thấy, 4 văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đều là nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác nhau, nhưng trong đó cùng có quy định chung vấn đề vận chuyển hàng hóa (có thể có thủy sản) mà không có giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Trong trường hợp, giữa các luật về cùng một vấn đề có quy định khác nhau/mâu thuẫn, về nguyên tắc xem xét ưu tiên áp dụng nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành trước luật chung”. Xét trường hợp của anh nêu “cá thu và 1 số loài cá tạp khác, khối lượng khoảng 7 tấn, trị giá tang vật ước tính 350.000.000 đ (số hàng hóa được chuyển từ các xe đông lạnh từ các tỉnh miền trung xuống các tàu thu mua thủy sản tại Hải Phòng sau đó vận chuyển ra Quảng Ninh để bán, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ (không có hồ sơ thủy sản theo quy định).”
Theo quy định tại Thông tư 21/2018/TT-BNNPTNT quy định về ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Trong trường hợp đối tượng của hàng hóa vận chuyển như dữ kiện nêu là thủy sản khai thác thì tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đánh bắt nguồn lợi thủy sản phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác để làm căn cứ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Như vây, theo phân tích trên, với hành vi mô tả vận chuyển thủy sản không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Căn cứ vào tính chất của vấn đề Luật sư có quan điểm sẽ áp dụng quy định chuyên ngành để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (Nghị định 38/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản)
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: