Mang ngoại tệ, vàng khi nhập cảnh vào Việt Nam có bị tịch thu không?

Mang ngoại tệ, vàng khi nhập cảnh vào Việt Nam có bị tịch thu không?

2024-11-06 13:50:16 41

Tôi có quen với một người nước ngoài anh ấy sinh sống và làm việc tại công ty dầu thương mại tại Anh. Sau đó anh ấy bảo xin nghỉ phép để đến Việt Nam thăm tôi, Tôi cũng đã cung cấp cho anh ấy họ tên, chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ nhà để anh ấy bổ sung vào thông tin trong việc xin Visa đến Việt Nam, Sau đó anh ấy có chụp Visa cho tôi và báo cho tôi biết thời gian anh ấy lên sân bay tại Vương quốc Anh để đến Việt Nam sân bay Tân Sơn Nhất.

Sáng hôm sau thì có một người gọi điện cho tôi bảo rằng chị có người thân từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và đang ở sân bay, khi đi anh ấy mang theo vàng và tiền nên kêu tôi phải đóng tiền phạt là 18.000.000đ. Tôi rất bất ngờ về vấn đề này vì trước khi lên máy bay anh ấy không báo cho tôi biết trước, nếu như anh ấy báo với tôi là tôi đã ngăn cản vì tôi cũng hiểu một số vấn đề này.

Vì vậy tôi xin phép được nhờ Luật sư trả lời:

Thứ nhất bạn tôi mang theo số tiền và vàng nhập cảnh vào Việt Nam mà không khai báo với Hải quan là sai quy định, và số tiền lại vượt mức cho phép. Vậy anh ấy sẽ bị phạt số tiền là bao nhiêu? Sau khi nộp phạt đủ số tiền thì tang vật anh ấy mang theo có được Hải quan hoàn trả lại?

Thứ hai, nếu như tôi không có đủ số tiền nộp phạt theo yêu cầu vậy Hải quan có thể trừ vào số tiền mà anh ấy mang theo? Nếu không có tiền nộp phạt anh ấy có được trở về nước sau khi đã bị tịch thu tang vật vì vi phạm? Anh ấy có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật khi mang số tiền vượt mức?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, về số tiền được mang khi nhập cảnh vào Việt Nam:

Theo thông tin chị cung cấp, chị có người bạn ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên không khai báo số tiền ngoại tệ và vàng mang theo người. Khi nhập cảnh bị Hải quan giữ lại và yêu cầu đóng số tiền phạt trước khi cho nhập cảnh.

Tại điều 2 Thông tư 15/2011/TT-NHNN quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh quy định như sau:

“Điều 2. Mức ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt phải khai báo Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh

1. Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu:

a) 5.000 USD (Năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương;

b) 15.000.000 VNĐ (Mười lăm triệu đồng Việt Nam).

2. Trường hợp cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.

3. Mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam tiền mặt quy định phải khai báo Hải quan cửa khẩu quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với những cá nhân mang theo các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác.”

Theo đó mức ngoại tệ vượt quá 5.000 USD thì phải khai báo với Hải quan, trường hợp không khai báo Hải quan nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính

Thứ hai, Về mức xử phạt nếu không thực hiện việc khai báo:

Tại điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN quy định việc mang vàng của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh quy định trường hợp người nhập cảnh mang quá 300 gam vàng vào Việt Nam phải khai báo với Hải Quan và cũng sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện quy định khai báo

“Điều 2. Mang vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu

1. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.

2. Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.”

Mức xử phạt hành chính đối với hai trường hợp mang tiền và vàng khi nhập cảnh được quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:

“2. Người nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc bàng các loại giấy tờ khác có giá trị thay cho hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp, giấy thông hành, chứng minh thư biên giới không khai hoặc khai sai số ngoại tệ tiền mặt thuộc loại tiền được phép mang theo, đồng Việt Nam tiền mặt, vàng mang theo vượt mức quy định khi nhập cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng Việt Nam;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng Việt Nam;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp mang vượt mức quy định mà tang vật vi phạm có trị giá tương đương từ 100.000.000 đồng Việt Nam trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

6. Trị giá tang vật vi phạm tại Điều này là trị giá sau khi đã trừ đi trị giá ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý khác, đá quý không phải khai hải quan theo quy định của pháp luật.”

Trường hợp này pháp luật không quy định tịch thu tang vật là ngoại tệ, vàng khi không khai báo do đó, sau khi chấp hành xong quy định việc nộp phạt hành chính cơ quan chức năng sẽ trả lại tang vật.

Thứ ba, hành vi mang tiền ngoại tệ có thể bị xử lý hình sự:

Về hành vi mang tiền ngoại tệ, vàng bị xử lý hình sự nếu có đủ các dấu hiệu quy định tại điều 189 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 189. Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới

1. Người nào vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Vật phạm pháp là bảo vật quốc gia;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Phạm tội 02 lần trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. …”

Như vậy: giá trị đồng ngoại tệ, vàng mang vào Việt Nam từ 100 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm biết.

Thứ tư, về quy trình xử lý vi phạm hành chính: Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020 có thể mô tả ngắn gọn quy định xử lý vi phạm hành chính để chị tham khảo như sau:

Trường hợp Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (tổng mức xử phạt không quá 250.000 đồng): khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính sau đó ra quyết định xử phạt và thi hành quyết định xử phạt.

Trường hợp Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản:

- Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ buộc chấm dứt hành vi vi phạm hành chính đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính, tiến hành xác minh tình tiết vụ việc vi phạm, xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

- Giải trình nếu có hình phạt kịch khung hoặc có  tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

- Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm.

- Nếu không có ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Gửi, chuyển, công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

Thứ năm, về việc cưỡng chế thực hiện thủ tục nộp phạt:

Theo quy định tại điều 78 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi bởi Khoản 39 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định về thủ tục nộp tiền phạt, nếu quá thời hạn nêu trong quyết định thì phải nộp thêm tiền lãi chậm nộp là 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

“Điều 78. Thủ tục nộp tiền phạt

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Nếu quá thời hạn nêu trên, thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

…”

Trường hợp các cá nhân có tên trong quyết định xử lý vi phạm hành chính không chấp hành nghĩa vụ nộp phạt thì tại điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi năm 2020 quy định sẽ cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính:

“Điều 86. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này.

2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

3. Chính phủ quy định cụ thể về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”

Việc thi hành quyết định cưỡng chế được quy định tại điều 88 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi năm 2020

“Điều 88. Thi hành quyết định cưỡng chế

1. Người ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm gửi ngay quyết định cưỡng chế cho các cá nhân, tổ chức liên quan và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của mình và của cấp dưới.

2. Cá nhân, tổ chức nhận được quyết định cưỡng chế phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định cưỡng chế và phải chịu mọi chi phí về việc tổ chức thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phối hợp thi hành quyết định cưỡng chế:

a) Cá nhân, tổ chức liên quan có nghĩa vụ phối hợp với người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế triển khai các biện pháp nhằm thực hiện các quyết định cưỡng chế;

b) Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu;

c) Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế thi hành mở tài khoản phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức đó số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế. Trường hợp số dư trong tài khoản tiền gửi ít hơn số tiền mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế phải nộp thì tổ chức tín dụng vẫn phải giữ lại và trích chuyển số tiền đó. Trong thời hạn 05 ngày làm việc trước khi trích chuyển, tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết việc trích chuyển; việc trích chuyển không cần sự đồng ý của họ.”

Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, cơ quan nhà nước đã ra quyết định xử phạt hành chính, Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không có khả năng thực hiện quyết định xử phạt hành chính thì sau 01 năm sẽ không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp cá nhân bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn. Đồng thời có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là “trục xuất” theo quy định tại điều 27 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 nếu trong quyết định xử lý vi phạm hành chính có quy định hình phạt bổ sung này.

Đối với trường hợp này, Chúng tôi chị cần cảnh giác đối với những thông tin do người bạn cung cấp. Việc kiểm tra ngoại tệ, vàng mang theo được kiểm tra ngay tại nước xuất cảnh (hạn mức quy định có thể khác nhau nhưng nhìn chung đều phải khai báo trước khi bay). Đồng thời việc xử phạt hành chính phải thông qua quyết định xử phạt và phải gửi cho cá nhân có tên trong quyết định (tại Việt Nam chưa có quy định xử phạt qua thông báo bằng điện thoại, tin nhắn). Việc nộp phạt phải thực hiện qua kho bạc nhà nước như quy định hướng dẫn nêu trên. Đồng thời đối chiếu mức xử phạt hành chính thì số tiền 24 triệu không nằm trong bất kỳ quy định xử phạt hành chính nào. Chị cần xem xét tính chính xác về các thông tin do người bạn cung cấp.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  ngoại tệ

,  

lừa đảo

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi