Ly hôn xong rồi mới phân chia tài sản có được không?

Ly hôn xong rồi mới phân chia tài sản có được không?

2024-09-23 14:19:52 73

Tháng 10/2019 tôi li hôn vì chồng tôi ngoại tình, lấy tiền đi xây nhà và mở quán cho người tình. Chúng tôi có làm văn bản thoả thuận phân chia tài sản mà không ra toà giải quyết. Trong các tài sản chia có 2 cái nhà: một nhà diện tích 100m2 giá trị 4 tỷ thoả thuận ông chồng tôi lấy nhà này tháng 12/2020 mới nhận nhà. Một nhà diện tích 200m2 trị giá 9 tỷ thoả thuận tôi lấy nhà này,10/2020 bắt đầu ở sau khi mua mới và sửa xong. Con chúng tôi có 2 cháu thì một cháu đã lấy chồng ở nhà chồng chỉ ngày cuối tuần về nhà tôi ở và cháu trai khi đó đang học đại học. Theo thoả thuận chênh lệch giữa 2 cái nhà 5 tỷ chồng tôi sẽ cho con trai làm học phí nếu ra nước ngoài học, nếu ko học thì tôi phải trả lại cho ông chồng tôi. Cả 2 cái nhà đều là căn hộ chung cư cao cấp.

Sau khi li dị chúng tôi chưa chia tài sản ngay mà đến bây giờ chúng tôi mới chia. Vậy tôi xin hỏi:

- Tại thời điểm chia có phải đánh giá lại giá trị 2 ngôi nhà không vì thực tế cái nhà của tôi giá trị giao dịch đã xuống khá nhiều - xuống 2tỷ, còn nhà của chồng tôi lên khoảng 500triệu. Nếu đánh giá theo khấu hao thì giảm bao nhiêu theo luật khấu hao?

- Vì các con ở với tôi nên tôi có quyền ở nhà rộng hơn mà không phải trả chênh lệch giá trị giữa 2 nhà không? Tôi còn chăm cả 2 cháu ngoại nữa

- Vì chồng tôi có lỗi và đã dùng tiền chung để mua đất, xây nhà, mở cửa hàng cho bồ. Tuy nhiên tôi không có chứng cớ chi tiết mà là do tôi bắt quả tang bằng tin nhắn zalo và sau đó ông ấy tự nhận tại thời điểm đó thôi. 

Với 3 lý do trên tôi không trả chênh lệch giá trị 2 căn nhà cho ông chồng tôi được không và nếu phải trả thì sẽ phải trả bao nhiêu.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia định năm 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì: “Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của cả hai vợ chồng, tòa án giải quyết theo quy định…”

Như vậy, khi ly hôn vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 38 Luật hôn nhân và gia định 2014 thì thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Như vậy, không phải trong mọi trường hợp việc phân chia tài sản chung của vợ chồng đều phải công chứng. Tuy nhiên, đối với tài sản là bất động sản thì thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực.

Năm 2019, khi giải quyết thủ tục ly hôn, vợ chồng chị không yêu cầu tòa án giải quyết phân chia tài sản mà hai bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận phân chia tài sản là 2 căn nhà chỉ bằng giấy tờ viết tay, không được công chứng, chứng thực. Đến nay, các bên vẫn chưa thực hiện các thủ tục để phân chia tài sản chung. Do vậy, thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng chị có thể chưa được pháp luật công nhận.

Hiện nay, nếu anh chị vẫn có thể thỏa thuận được về việc phân chia tài sản và thanh toán phần giá trị chênh lệch thì có thể thực hiện các thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận để phân chia tài sản chung. Tuy nhiên, nếu hai bên không thống nhất được về giá trị của căn nhà để thực hiện việc phân chia tài sản chung thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia tài sản chung sau khi ly hôn trong một vụ án độc lập. Khi phân chia tài sản chung, việc định giá giá trị từng căn nhà có thể do các bên tự định giá, nếu không tự thỏa thuận được có thể đề nghị tòa án quyết định việc định giá tài sản.

Về Nguyên tắc giải quyết tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

5. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

…”

Như vậy, việc phân chia tài sản chung của vợ chồng có dựa trên yếu tố như:

  • Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng
  • Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng
  • Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Trong trường hợp của chị, các căn cứ mà chị đưa ra:

  • Chị và các con, các cháu ngoại hiện đang trực tiếp sinh sống tại căn nhà rộng hơn, đây chỉ là căn cứ để chị có thể được ưu tiên nhận căn nhà này bằng hiện vật. Khi chị nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn thì phải thanh toán cho chồng chị phần chênh lệch.
  • Về hành vi ngoại tình, đây là hành vi vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng (vi phạm nghĩa vụ chung thủy). Do vậy, nếu như chị chứng minh được người chồng có hành vi ngoại tình và dùng tiền chung để mua đất, xây nhà, mở cửa hàng cho người phụ nữ kia thì đây là yếu tố ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản chung của vợ chồng.
  • Hiện nay, các con của đều đã thành niên, do đó đây không phải là căn cứ để ưu tiên trong việc phân chia tài sản chung của bố mẹ.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi