Tôi có cho bạn tôi vay tiền 1 số lần, cụ thể:
1. Vào khoảng tháng 6/2019 tôi cho bạn vay số tiền 250tr lãi suất 3000đ/1tr/1 ngày. Với lần vay này tôi đã thu lãi 14 tháng = 315tr.
2. Khoảng tháng 6/2020 tôi cho bạn vay số tiền 200tr lãi suất 3000đ/1tr/1 ngày. Với lần vay này tôi đã thu lãi 03 tháng = 54tr.
3. T7/2021 tôi cho bạn vay số tiền 550tr lãi suất 3000đ/1tr/1 ngày. Với lần vay này tôi đã thu lãi 01 tháng = 49tr500.
Tổng số tiền tôi cho bạn vay đến nay là 1 tỷ. Và tổng số tiền lãi tôi đã thu được là 418tr500. Đến nay bạn tôi không có khả năng trả nợ thì bạn đấy lại kiện tôi qua cơ quan cảnh sát điều tra với tội danh cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Vậy luật sư cho tôi hỏi với sự việc như vậy tôi sẽ bị xử lý ra sao? Và số tiền gốc tôi cho bạn vay sẽ xử lý thế nào?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Thứ nhất, về lãi suất trong hợp đồng vay tiền:
Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất như sau:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác…”
Như vậy, căn cứ theo quy định pháp luật thì lãi suất cho vay cá nhân trong hợp đồng vay tài sản do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm, tương ứng với mức lãi suất không vượt quá 1,67%/tháng.
Đối chiếu với trường hợp của anh, anh cho bạn anh vay 3 lần theo từng hợp đồng khác nhau với cùng mức lãi suất 3.000/1 triệu/ ngày, tương ứng lãi suất 9%/ tháng hay 108%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay đã vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép các bên thỏa thuận. Khi tranh chấp xảy ra, phần lãi suất vượt quá mức lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép các bên thỏa thuận sẽ không được công nhận.
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự:
Với lãi suất cho vay mỗi lần đều là 3.000 đồng/triệu/ngày tương ứng với mức lãi suất 9%/tháng và 108%/năm. Mức lãi suất này đã gấp 5,4 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật dân sự quy định.
Trong lần vay thứ nhất, vào tháng 6/2019 số tiền gốc là 250 triệu, lãi suất 9%/tháng. Tiền lãi của 14 tháng theo quy định của pháp luật tối đa là:
250 x 14 x (20% : 12) = 58.333.000 đồng
Như vậy, với số tiền thu lãi của 14 tháng là 315 triệu, anh đã thu lợi bất chính khoảng 257 triệu đồng. Hành vi của anh có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng như sau:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhấtquy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Đối chiếu với trường hợp của anh, anh đã cho vay với mức lãi suất cao hơn gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật dân sự cho phép. Số tiền thu lợi bất chính trong cả 3 lần cho vay là 340 triệu đồng, đây là tình tiết định khung hình phạt nên có thể anh sẽ bị khởi tố hình sự về Tội cho vay lãi nặng theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015, với mức hình phạt cao nhất từ 6 tháng đến 3 năm tù giam và anh có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc), theo Công văn số 212/TANDTC-PC hướng dẫn như sau:
“Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.
Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này”.
Theo đó, số tiền anh cho vay (tiền gốc) là 1 tỷ đồng được xác định là phương tiện phạm tội nên sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Và khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị sung quỹ Nhà nước.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: