Công ty em có hợp tác với một công ty dịch vụ (thông tin mã số thuế như trong file hợp đồng đính kèm). Trước đây em lầm tưởng là bên cty em thuê lại lao động của bên công ty dịch vụ, nhưng sau khi xem kỹ ngành nghề kinh doanh của cty đó thì em thấy mã ngành nghề là cung ứng và quản lý lao động (trừ cho thuê lại lao động), nên em có 1 số điểm cần luật sư tư vấn như sau:
1. Về trách nhiệm của mỗi bên thế nào giữa việc thuê lại lao động và việc cung ứng dịch vụ lao động tiền lương là thế nào ? vì cả 2 đều là cty dịch vụ đứng ra ký hợp đồng lao động với người lao động
2. Các hồ sơ chứng từ của bên cty em cần lưu tại cty là gì để giải trình và báo cáo với thương binh lao động bên em ?
3. Quy mô cty em là 200 người thì từ cấp giám đốc thì đều để công ty dịch vụ đó ký hợp đồng lao động với người lao động, đóng BHXH theo trụ sở của công ty dịch vụ dó, chỉ có khoảng 10 - 20 vị trí giám đốc là ký hợp đồng trực tiếp với cty, cty tự đóng bhxh, như thế có hợp lệ không?
4. NLĐ trực thuộc pháp lý của công ty dịch vụ hay cty em ạ?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
- Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về Doanh nghiệp cho thuê lại lao động thì: “Doanh nghiệp cho thuê lại lao động là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, được cấp giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, có tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với người lao động, sau đó chuyển người lao động sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với doanh nghiệp đã giao kết hợp đồng lao động”.
- Doanh nghiệp thuê lại lao động được sử dụng người lao động thuê lại để làm những công việc theo danh mục công việc được phép thuê lại lao động trong một thời gian nhất định.
Như vậy, trong hoạt động cho thuê lại lao động thì doanh nghiệp cho thuê lại lao động sẽ là Người sử dụng lao động và trực tiếp ký kết hợp đồng lao động với người lao động, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động (Điều 56 Bộ luật lao động 2019).
2. Hoạt động cung cấp dịch vụ quản lý lao động
- Khác với hoạt động cho thuê lại lao động, hoạt động cung ứng và quản lý lao động là hoạt động cung cấp nguồn lao động dài hạn, ổn định, quản lý nguồn lao động và đại diện cho người lao động trong trường hợp liên quan đến việc thanh toán tiền lương, thuế và các vấn đề về tài chính hoặc nguồn lao động, nhưng họ không có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát người lao động (theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành Kinh tế Việt Nam).
- Pháp luật hiện nay không có văn bản quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động cung ứng và quản lý lao động. Tuy nhiên, từ quy định trên có thể xác định bên cung cấp dịch vụ quản lý lao động không phải người sử dụng lao động. Bên cung cấp dịch vụ quản lý lao động chỉ cung cấp nguồn lao động và đại diện cho người lao động liên quan đến việc thanh toán tiền lương, thuế và các vấn đề về tài chính hoặc nguồn lao động, họ không có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát người lao động (không có quan hệ lao động với NLĐ).
Theo thông tin và tài liệu chị cung cấp thì hợp đồng giữa công ty chị và Công ty dịch vụ là hợp đồng dịch vụ quản lý lao động tiền lương. Theo quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên thì Công ty dịch vụ chỉ là bên được ủy quyền ký hợp đồng lao động và đại diện pháp lý như là “người sử dụng lao động” đối với nhân viên đang làm việc cho công ty chị và thay công ty chị thực hiện các công việc liên quan đến nhân sự của công ty chị như: tính lương, thưởng, theo dõi việc BHXH, BHYT…. Công ty dịch vụ chỉ được thực hiện các công việc được ủy quyền với tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty chị, không phải là người sử dụng lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động trong trường hợp này được xác định là công ty chị. Công ty chị có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, trong đó có các trách nhiệm liên quan đến tiền lương, thuế, bảo hiểm xã hội… Công ty chị chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước về lao động đối với việc sử dụng lao động của mình. Các cơ quan quản lý lao động cũng có quyền thanh tra, kiểm tra tình hình sử dụng lao động đối với toàn bộ người lao động Công ty chị (bao gồm NLĐ ký HĐLĐ trực tiếp với công ty và NLĐ ký HĐLĐ thông qua công ty dịch vụ). Khi có các sai phạm trong quan hệ lao động, Công ty chị chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Về nội dung của Hợp đồng cung ứng chị cung cấp không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện hợp đồng, giữa công ty chị và công ty dịch vụ có sự nhầm lẫn giữa Hợp đồng cho thuê lại lao động và Hợp đồng dịch vụ quản lý lao động tiền lương.
Cụ thể: Người sử dụng lao động được xác định là Công ty chị. Công ty chị phải ký kết hợp đồng lao động với NLĐ hoặc có thể ủy quyền cho công ty dịch vụ đại diện cho mình ký kết HĐLĐ tuy nhiên, công ty chị vẫn phải chịu trách nhiệm về các công việc do công ty dịch vụ thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Công ty chị phải thực hiện việc kê khai, tham gia BHXH cho người lao động, hiện nay pháp luật BHXH chưa quy định các thủ tục ủy quyền tham gia BHXH để công ty dịch vụ được đại diện theo ủy quyền kê khai BHXH cho người lao động của công ty chị. Theo đó, Công ty dịch vụ không thể lấy tư cách của họ để tham gia BHXH cho người lao động của công ty chị tại trụ sở của công ty dịch vụ ở Tp. Hồ Chí Minh.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: