Hết thời hiệu thừa kế có được chia di sản không?

Hết thời hiệu thừa kế có được chia di sản không?

2024-01-21 21:13:00 164

 Ông bà ngoại tôi sinh ra được 3 người con: 2 trai 1 gái. Ông ngoại tôi mất năm 1975, bà ngoại mất năm 1982, 2 người con trai của ông bà cũng mất sau một số năm sau, chỉ còn người con gái là mẹ tôi. Ông bà ngoại tôi khi mất đi để lại di sản là đất ở và ruộng vườn trên đất nhưng không để lại di chúc.

Sau khi ông bà tôi mất thì vợ của người con trai út của ông bà đã sang tên toàn bộ diện tích đất của ông bà ngoại tôi để lại về tên mình, mà mẹ tôi và người con trai của ông bà là em thứ 2 dưới mẹ tôi không được biết.

Giờ tôi muốn đòi hỏi quyền lợi của mẹ tôi và người em trai mẹ tôi đã mất về di sản của ông bà để lại

Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:

1. Quy định của pháp luật về phân chia di sản thừa kế.

Theo thông tin chị trình bày, Ông bà ngoại của chị mất để lại tài sản là đất ở, đất vườn và ruộng mà không có di chúc.

Căn cứ điều 611 Bộ luật dân sự 2015 thời điểm mở thừa kế được xác định là thời điểm người có tài sản chết.

“Điều 611. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này....”

Như chị nêu có thể thấy gia đình chưa làm thủ tục mở thừa kế và phân chia di sản thừa kế. Pháp luật dân sự hiện nay không có quy định về thời hạn mở thừa kế mà chỉ có quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu phân chia di sản thừa kế được quy định tại điều 623 Bộ luật dân sự 2015 xác định thời hiệu là 30 năm.

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

....”

Tuy nhiên, theo Công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân tối cao thì trường hợp ông bà ngoại chị chết trước năm 1987 thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế sẽ được tính từ ngày 10/9/1990 đến hết ngày 10/9/2020. Do đó những người thừa kế có yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo pháp luật thì cần khởi kiện trước ngày 10/9/2020

“Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự "Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.

Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.”

2. Xác định quyền sử dụng đất là di sản thừa kế

Căn cứ điều 1 mục II nghị quyết 02/2004/NĐ-HĐTP bất động sản được coi là di sản thừa kế nếu có 1 trong các điều kiện sau:

“1.1. Đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.

1.2. Đối với trường hợp đất do người chết để lại mà người đó có một trong các loại giấy quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, thì kể từ ngày 01/7/2004 quyền sử dụng đất đó cũng là di sản, không phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế....”

Nếu thửa đất mà ông bà ngoại chị để lại có giấy tờ về quyền sử dụng đất do ông bà ngoại đứng tên thì thửa đất này được xác định là di sản thừa kế như căn cứ nêu trên. Trong trường hợp này di sản sản thừa kế được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ/chồng, con và bố mẹ đẻ của người chết.

Việc người vợ của con trai út tự ý sang tên quyền sử dung đất cho mình trong trường hợp này là chưa phù hợp.

Di sản thừa kế này được xác định là chưa chia và chưa hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, vì vậy di sản vẫn được chia thừa kế cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên, khi chia, Tòa án sẽ tính tới công sức đóng góp bao gồm cả việc sử dụng ổn định của vợ con trai út và việc trông nom, gìn giữ và làm tăng giá trị tài sản. Sau khi tính tới công sức của từng người thì phần giá trị còn lại của di sản thừa kế được chia đều cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.

Nếu hết thời hiệu khởi kiện thừa kế mà những người thừa kế không có yêu cầu chia di sản thừa kế thì thửa đất mà ông bà ngoại để lại sẽ thuộc quyền sử dụng hợp pháp của người thừa kế đang quản lý di sản đó theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

 

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi