Em có người bạn thân tên P, một lần em bị sốt và có gọi bạn tới đưa đi bệnh viện. Sau khi tới bệnh viện cấp cứu và khám xong bác sĩ cho em về và theo dõi tại nhà.
Em về nhà vào lúc 8h tối, sau khi xuất viện, em với bạn đi ăn với nhau như mọi khi. Tối hôm đó, bạn có nói muốn ở lại chăm sóc em vì tình trạng sức khỏe của em không ổn định, em ở 1 mình bạn không yên tâm. Do tin tưởng là bạn thân trước giờ chưa bao giờ hại em nên em đồng ý để bạn ở lại chăm sóc.
Phòng ngủ của em có 2 giường nên bạn nằm giường bên. Đến nửa đêm, em nhớ lúc đó em sốt cao và có gọi bạn thì 1 lúc sau mọi thứ tối sầm lại. Sau khi em tỉnh dậy là lúc 7h sáng, em cảm thấy mình đã bị xâm hại. Khi em quay sang giường bên đã không còn thấy bạn.
Một tuần sau khi sự việc xảy ra, bạn P có gọi điện cho em và nói lời xin lỗi vì đã xâm hại em và mong em tha thứ, cho bạn một cơ hội để chịu trách nhiệm. Lúc đó do không có bằng chứng gì nên em không làm đơn tố cáo bạn ra công an.
Trong khoảng thời gian đó, em bị ám ảnh sự việc và phải điều trị tâm lý trầm cảm, bạn có mua thuốc cho em, nhưng trong thuốc em đều thấy thành phần có chất gây buồn ngủ, gây mê. Nhiều lần, bạn bị ốm, có gọi điện cho em bảo sang nhà đưa bạn đi bệnh viện, nhưng mỗi lần em sang bạn lại nói bạn chỉ muốn em ở bên cạnh. Những lần như vậy, em sợ và phản kháng lại bạn thì bạn đều nhốt em lại trong phòng vừa trấn an em, đe dọa, uy hiếp và tiếp tục có hành vi xâm hại em. Những lần đó, em đều chống cự, vừa cắn vừa cào, cấu bạn.
Bạn nói bạn là công an đặc nhiệm nên các luật về xâm hại bạn nắm rất rõ, điện thoại của em tất cả dữ liệu đều bị bạn xóa và cưỡng chế. Lần quan hệ gần nhất cách đây 3 ngày, nhưng em không có chứng cứ cáo buộc nào, không có nhân chứng. Vậy, giờ em phải làm gì để có thể tố cáo bạn ra cơ quan công an?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Căn cứ theo những thông tin chị cung cấp, hành vi của P có thể cấu thành tội Hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017):
“Điều 141. Tội hiếp dâm
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
c) Nhiều người hiếp một người;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Có tính chất loạn luân;
g) Làm nạn nhân có thai;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
i) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”.
…”.
Bạn bị xâm hại lần đầu tiên khi bị sốt cao, không có ý thức điều khiến hành vi và không có khả năng tự vệ, P đã có hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của bạn. Hành vi của P có thể cấu thành tội Hiếp dâm theo quy định tại Điều 141 Bộ luật hình sự 2015 nên trên.
Các lần sau đó, P tiếp tục có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực (nhốt bạn trong phòng). Khi bạn có hành vi chống cự, vừa cắn, vừa cào cấu, P vẫn tiếp tục thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của bạn. Nhận thấy, P đã thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của bạn nhiều lần. Hành vi của P có thể bị truy cứu TNHS theo Khoản 2 Điều 141 nêu trên, khung hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù.
Hành vi của P có dấu hiệu phạm tội, vì vậy bạn cần trình báo với cơ quan công an để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, do sự việc đã diễn ra được một thời gian, hiện nay bạn không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của P. Do vậy, để kết tội P sẽ gặp nhiều khó khăn.
Về nguyên tắc thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của cơ quan công an. Trước mắt, P đã có dấu hiệu phạm tội nên bạn cần trình báo với cơ quan công an để được pháp luật bảo vệ, đồng thời bạn có thể phối hợp với cơ quan điều tra để thu thập chứng cứ. Cơ quan điều tra sẽ có các nghiệp vụ để khai thác, thu thập chứng cứ thông qua các buổi làm việc, mời P lên cơ quan công an để thu thập lời khai.
Ngoài ra, để hỗ trợ cơ quan điều tra, bạn có thể thu thập chứng cứ thông qua ghi âm, ghi hình lại cuộc hội thoại mà P thừa nhận hành vi của mình hoặc đe dọa bạn để thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của bạn. Nếu P còn tiếp diễn các hành vi đe dọa, uy hiếp để gặp mặt, bạn có thể phối hợp với cơ quan điều tra để bắt quả tang hành vi phạm tội của P.
Bạn cũng nên giữ lại và thu thập một số giấy tờ làm nguồn chứng cứ như về việc bạn bị ốm sốt nặng phải cấp cứu, vật chứng chứng minh về bạn bị chứng trầm cảm sau khi bị P xâm hại như bệnh án, đơn thuốc điều trị trầm cảm do bác sĩ kê, hóa đơn viện phí,… Về việc P mua thuốc điều trị trầm cảm cho bạn mà có thành phần gây buồn ngủ, gây mê cũng cần xem xét thuốc đó có đúng theo liệu trình điều trị của bạn hay không và sau khi đưa thuốc đó cho bạn uống P có hành vi nào nhằm xâm hại bạn hay không.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: