Giao kết hơp đồng cộng tác viên theo quy định của pháp luật dân sự

Giao kết hơp đồng cộng tác viên theo quy định của pháp luật dân sự

2024-08-13 09:26:16 72

Chào Luật sư, Tôi hiện tại đang có 1 công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách. Chúng tôi cũng có một website để cộng tác viên đăng bài và sẽ trả tiền cho họ dựa trên số lượng bài đăng. Công việc viết lách này là không thường xuyên và bắt buộc (không có yêu cầu một tháng phải có bao nhiêu bài hay bao giờ thì phải nộp bài). Số tiền trả cho họ cũng không có một mức cố định. Chúng tôi muốn ký hợp đồng cộng tác viên theo hướng dịch vụ (không phải hợp đồng lao động), nhưng không biết hiện nay có loại hợp đồng nào là phù hợp nhất với các yêu cầu trên. Một vấn đề nữa là chúng tôi muốn cộng tác viên ký vào một Thỏa thuận bảo mật thông tin, vậy cấu trúc của hợp đồng & thỏa thuận trên sẽ ra sao? Cái nào sẽ là phụ lục của cái nào, hay ký đồng thời ra sao? Quý công ty có thể tư vấn giúp tôi loại hình hợp đồng nào thì phù hợp nhất với chúng tôi không? 

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Hiện nay, pháp luật không có quy định về khái niệm hợp đồng cộng tác viên, đồng thời nếu chỉ căn cứ vào tên gọi của hợp đồng thì chưa thể xác định được loại hợp đồng đó là hợp đồng gì. Để xác định loại hợp đồng (hợp đồng lao động, hợp đồng thương mại hay hợp đồng dân sự) cần căn cứ vào đối tượng của hợp đồng và các nội dung liên quan đến tính chất công việc, quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Cụ thể:

- Trường hợp nội dung của Hợp đồng cộng tác viên thể hiện sự thỏa thuận giữa hai bên về việc làm với điều kiện làm việc, trả lương, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bên giống như quan hệ lao động (ràng buộc về nội quy, quy chế lao động, thời gian, địa điểm làm việc…) thì Hợp đồng cộng tác viên này bản chất là hợp đồng lao động và chịu sự điều chỉnh của pháp luật lao động.

- Trường hợp nội dung của Hợp đồng cộng tác viên là sự thỏa thuận bình đẳng giữa hai bên, không có sự ràng buộc như quan hệ lao động thì hợp đồng cộng tác việc được xác định là một loại hợp đồng dân sự (hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng giao khoán…).

Đối chiếu với trường hợp của công ty bạn: Công ty ký hợp đồng cộng tác viên đăng bài và sẽ trả tiền dựa trên số lượng bài đăng. Công việc không thường xuyên, không bắt buộc số lượng bài viết/tháng. Nhận thấy, tính chất công việc cũng như quyền và nghĩa vụ giữa hai bên không có sự ràng buộc như trong quan hệ lao động, cộng tác viên không chịu sự quản lý của công ty, không có sự ràng buộc chấp hành nội quy, quy chế lao động, thời gian, địa điểm làm việc… Do vậy, công ty có thể lựa chọn ký “Hợp đồng cộng tác viên”, quyền và nghĩa vụ của các bên tương tự như trong hợp đồng dịch vụ được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 (từ Điều 513 – Điều 521).

Ngoài các quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định của Bộ luật dân sự, các bên có thể thỏa thuận quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với nhu cầu và tình hình kinh doanh của công ty, nhưng không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội.

Về nghĩa vụ bảo mật thông tin, tại Điều 517 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 517. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ

1. Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.

2. Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.

3. Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.

4. Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.

5. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

6. Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin”.

Theo đó, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện hợp đồng đã được quy định tại Điều 517, tuy nhiên, trong hợp đồng cần có thỏa thuận để ràng buộc trách nhiệm của bên cung ứng dịch vụ và cụ thể hóa các thông tin cần bảo mật, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi theo thỏa thuận.

Pháp luật không điều chỉnh việc ký kết hợp đồng cộng tác viên và thỏa thuận bảo mật thông tin cần phải trong cùng một hợp đồng hay hợp đồng nào là hợp đồng chính, hợp đồng nào là phụ. Tùy vào nhu cầu và nội dung thỏa thuận của các bên để lựa chọn một cấu trúc hợp đồng phù hợp.

Đối với trường hợp của công ty anh, công ty có nhu cầu thuê một số cộng tác viên viết bài, nghĩa vụ bảo mật thông tin là một trong những nghĩa vụ của cộng tác viên. Do vậy Công ty có thể lựa chọn việc ký Hợp đồng cộng tác viên có điều khoản bảo mật thông tin. Trường hợp Công ty muốn tập trung vào các điều khoản bảo mật (cần quy định rõ danh sách các thông tin cần bảo mật, quyền và nghĩa vụ cụ thể, trách nhiệm bồi thường khi vi phạm…) thì có thể quy định nghĩa vụ bảo mật thông tin trong điều khoản nghĩa vụ của cộng tác viên và dẫn chiếu đến một phụ lục hợp đồng về cam kết bảo mật. Việc soạn thảo một phụ lục của Hợp đồng về cam kết bảo mật sẽ cụ thể, chi tiết được nhiều nội dung bảo mật thông tin.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi