Định đoạt tài sản riêng của con cần những điều kiện gì?

Định đoạt tài sản riêng của con cần những điều kiện gì?

2024-08-22 14:32:08 69

Tôi và vợ đã ly hôn năm 2019, quyết định của toà án ghi theo sự đồng thuận giữa hai bên, tôi chăm nuôi một con trai lớn sinh năm 2004. Vợ tôi chăm nuôi 02 cháu trai sinh đôi sinh năm 2011. Cuối năm 2020 tôi có mua một mảnh đất và cho tặng hai con sinh đôi làm hai sổ đỏ trên một mảnh đất (99m2) và tôi là người giám hộ về tài sản này của các con cho đến năm 18 tuổi.

Đến nay tôi và vợ cũ của tôi có bàn bạc và đồng thuận bán mảnh đất trên để lo cho các con (xây nhà cho ba mẹ con, gửi một quyển sổ tiết kiệm cho các con) hai chúng tôi ra phòng công chứng làm hợp đồng mua bán cho khách hàng kèm theo biên bản thỏa thuận giữa tôi và vợ cũ của tôi về việc sử dụng tài sản là tiền sau khi bán.

Tuy nhiên khi mang hồ sơ ra phòng hành chính công, họ yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền nơi hai con tôi đang cư trú về việc giám sát người được giám hộ ... đến khâu này thì tôi không biết phải làm như thế nào nữa vì vậy kính đề nghị Luật sư hướng dẫn cụ thể giúp tôi các thủ tục cần thiết để xử lý công việc ạ. Rất mong sớm nhận được sự hồi âm của Luật sư  

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

1. Về người được giám hộ

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật dân sự 2015 thì người được giám hộ bao gồm:

1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu”.

Như vậy, người được giám hộ chỉ bao gồm những trường hợp quy định tại Điều 47 nêu trên. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự 2015, Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Đối với trường hợp của anh, hai con trai của anh sinh năm 2007, đến nay chưa thành niên nhưng có cha mẹ vẫn đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con và không có người giám hộ khác. Do vậy, không đặt ra vấn đề người giám hộ hay giám sát việc giám hộ trong trường hợp này. Yêu cầu của phòng hành chính công cần có xác nhận của chính quyền nơi hai người con đang cư trú về việc giám sát người được giám hộ là không có căn cứ.

2. Về việc quản lý, định đoạt tài sản riêng của con

Theo quy định tại Điều 76, Điều 77 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì:

“Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 77. Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự

1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.

3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện”.

Theo quy định trên thì tài sản riêng của con dưới 15 tuổi do cha mẹ quản lý. Cha mẹ chỉ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Trong trường hợp của anh, quyền sử dụng đất nêu trên là tài sản riêng của hai người con. Hiện nay, hai cháu chưa thành niên nên cha mẹ sẽ là người đại diện theo pháp luật của hai con mà không có người giám hộ khác. Theo quy định của pháp luật thì tài sản riêng của hai con sẽ do cha mẹ quản lý, tuy nhiên, cha mẹ chỉ có quyền định đoạt tài sản riêng của con vì lợi ích của con. Do vậy, hiện nay nếu như anh và mẹ các cháu muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thì ngoài việc có sự thỏa thuận của cha mẹ thì cần chứng minh được việc định đoạt tài sản riêng của con để nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của con và vì lợi ích của con.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: congtyluatthang10@gmail.com 

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi