Gia đình tôi làm ăn khó khăn nên có vay 1 số tiền bằng giấy viết tay, không có thế chấp, lãi suất như sau:
+ Vay ông A: 100tr tiền lãi 35tr cho 50 ngày vay
+ Vay ông B: 117tr tiền lãi là 13tr cho 2 tháng vay.
Hiện tại gia đình tôi không có khả năng chi trả do tiền lãi tính quá cao. Nếu bên cho vay mà thưa tôi ra pháp luật (do mấy tháng gần đây tôi thiếu tiền chưa trả tiền lãi hàng tháng cho họ) thì họ có bị tội cho vay nặng lãi không? Tội này xử như thế nào theo pháp luật, xin cảm ơn luật sư. Và nếu ra pháp luật thì tôi có bị tính vào tội chiếm đoạt tài sản không, do tôi vẫn có thiện chí trả tiền nhưng muốn trả dần theo tháng do hiện tại tài sản tôi đứng tên đang vay ngân hàng nên không thể bán để trả được ạ. Và trong trường hợp này tôi cần phải làm thế nào thì tốt nhất ạ, bên cho vay không đồng ý thương lượng và cũng không đồng ý giảm lãi. Cám ơn luật sư.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Về nghĩa vụ trả nợ
Căn cứ quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Về nghĩa vụ của bên vay tài sản được quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
…
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Theo đó, gia đình bạn có vay tiền của A và B, cụ thể: Vay của A 100 triệu, lãi 35 triệu cho 50 ngày. Vay của B 117 triệu, tiền lãi 13 triệu cho 2 tháng vay. Khi đến hạn trả nợ, gia đình bạn có nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho bên A và B. Nếu quá thời hạn vay mà gia đình bạn không trả nợ cho bên cho vay thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết.
Về lãi suất gia đình bạn phải trả, đối chiếu với quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ”.
Như vậy, các bên có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay nhưng lãi suất không được vượt quá 20%/năm. Trong trường hợp của bạn, lãi suất cho vay các bên thỏa thuận như sau:
- Đối với khoản vay của A: Vay 100 triệu, lãi suất 35 triệu cho 50 ngày vay, tức lãi 700.000/ngày tương đương 21 triệu/tháng. Lãi suất cho vay là 21%/tháng = 252%/năm.
- Đối với khoản vay của B: Vay 117 triệu, lãi 13 triệu cho 2 tháng vay, tức lãi 6,5 triệu/tháng. Lãi suất cho vay là 5,56%/tháng = 66,67%/năm
Có thể thấy lãi suất cho vay của A và B đã vượt quá lãi suất tối đa mà pháp luật cho phép các bên thỏa thuận. Do vậy, trường hợp A và B khởi kiện gia đình bạn ra Tòa án thì mức lãi suất vượt quá quy định sẽ không có hiệu lực. Tức bạn sẽ phải trả tiền gốc + tiền lãi theo mức 20%/năm + lãi chậm trả 10%/năm (nếu có). Dựa trên các thông tin bạn cung cấp, bạn không có các hành vi gian dối, không có dấu hiệu muốn chiếm đoạt tài sản. Hiện nay bạn lâm vào tình trạng không thể trả nợ nhưng có thiện chí trả nợ dần. Do vậy, chúng tôi chưa nhận thấy bạn có hành vi phạm tội.
2. Về tội cho vay nặng lãi
Điều 201 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định:
“Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, người nào cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp nêu tại Khoản 1 Điều 201 nêu trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp của bạn:
- Đối với khoản vay của A: Lãi suất cho vay là 252%/ năm đã gấp 12,6 lần mức lãi suất tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự (20%/năm), nếu bên A đã thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 201 Bộ luật hình sự 2015.
- Đối với khoản vay của B: Lãi suất cho vay là 66,67%/năm gấp 3,3 lần mức lãi suất tối đa theo quy định của Bộ luật dân sự. Với mức lãi suất này, chưa đủ yếu tố để cấu thành tội phạm.
Do không có khả năng trả nợ ngay cho A và B, gia đình bạn cần đưa ra phương án thương lượng với bên cho vay (cam kết về thời gian, lộ trình, kế hoạch trả nợ…). Đồng thời lãi suất cho vay vi phạm quy định của pháp luật, bạn có quyền từ chối việc trả phần lãi suất vượt quá quy định của pháp luật (chỉ trả gốc + lãi suất tối đa 20%/năm).
Ngoài ra, với lãi suất cho vay của A, bạn có thể trình báo cơ quan công an để yêu cầu xem xét khởi tố hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: