Cho người thân vay tiền không viết giấy tờ, chứng minh bằng cách nào?

Cho người thân vay tiền không viết giấy tờ, chứng minh bằng cách nào?

2024-10-18 16:27:35 51

Tôi hiện đang làm thủ tục ly hôn đơn phương với chồng, trong thời gian còn sống với nhau, mẹ chồng tôi có mượn tôi một số tiền, đã trả được một phần và hẹn sau tết sẽ trả tôi số tiền còn lại. Nhưng nay chúng tôi ly hôn thì mẹ chồng bảo sẽ không trả tiền tôi nữa mà muốn được trừ vào số tiền hơn 02 năm qua bà giữ con cho tôi.

Trong lúc cho vay tôi không làm giấy cho mượn, nhưng tôi vẫn giữ được những file ghi âm 02 lần trả nợ và khất nợ trước, có thể làm bằng chứng khởi kiện không? Và nếu tôi khởi kiện sẽ nộp đơn tại nơi tôi tạm trú hay nơi ở của gia chồng cũ tôi? Và mức án phí tôi phải đóng là bao nhiêu?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, về vấn đề chứng cứ chứng minh:

Theo thông tin chị cung cấp, chị và mẹ chồng có thỏa thuận vay tài sản với số tiền 250 triệu đồng, hợp đồng vay tài sản được quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 như sau: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận của các bên và pháp luật hiện tại không có quy định hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản. Do đó, mặc dù chị không có hợp đồng bằng văn bản nhưng nếu chị chứng minh được có phát sinh quan hệ vay tài sản thì chị vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu mẹ chồng mình hoàn trả khoản tiền đã vay.

Theo thông tin chị cung cấp, chị có bản ghi âm ghi nhận thông tin mẹ chồng chị thừa nhận vẫn đang còn nợ lại một khoản tiền của chị, pháp luật quy định về nguồn của chứng cứ và chứng cứ tại Điều 94, Điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau:

Điều 94. Nguồn chứng cứ

Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:

1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.

2. Vật chứng.

Điều 95. Xác định chứng cứ

1. Tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

2. Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

…”

Theo quy định của pháp luật, file ghi âm là tài liệu nghe được và được coi là một nguồn chứng cứ. File ghi âm này có thể được coi là chứng cứ nếu khi nộp tại Tòa người nộp có xuất trình kèm theo văn bản trình bày về xuất xứ của file ghi âm do mình tự thu âm.

Do đó, với trường hợp của chị, nếu chị nộp file ghi âm kèm theo văn bản trình bày về nguồn gốc của file ghi âm này thì đây được xác định là chứng cứ theo quy định đã nêu trên. Tuy nhiên, trong khi giải quyết vụ án Tòa án có thể sẽ xem xét lại tính hợp lý của tài liệu này để xác định tài liệu này có được coi là chứng cứ hay không.

Thứ hai, về vấn đề thẩm quyền giải quyết và mức án phí

Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ như sau:

“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

…”

Đối với trường hợp của chị, nếu chị muốn khởi kiện yêu cầu mẹ chồng mình hoàn trả nốt số tiền còn lại thì chị có thể làm đơn khởi kiện gửi đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi mẹ chồng chị (bị đơn) đang cư trú để yêu cầu giải quyết.

Số tiền hiện tại mẹ chồng chị chưa trả cho chị là 50 triệu đồng nên theo quy định tại danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức án phí đối với trường hợp này là 5% giá trị tài sản tranh chấp. Khi Tòa án chấp nhận đơn khởi kiện của chị thì chị sẽ phải nộp tạm ứng án phí trước, mức tạm ứng án phí bằng 50% mức án phí theo quy định.

Đối với yêu cầu chị hoàn trả chi phí trông cháu của mẹ chồng chị, hiện nay pháp luật không có quy định về vấn đề này. Do đó, việc chị có phải trả chi phí này hay không còn tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên trước khi mẹ chị bắt đầu thực hiện công việc.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi