Chi trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp NLĐ chết

Chi trả trợ cấp thôi việc trong trường hợp NLĐ chết

2024-08-21 14:27:50 60

Cho tôi được hỏi. Công ty tôi có trường hợp lao động như sau: 01/01/1998 tuyển dụng vào công ty đến 11/2006 nghỉ việc hưởng chế độ chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp. Công ty đã trả cho người lao động các khoản sau:

1/ Trợ cấp mất việc làm 1 tháng lương lương cấp bậc đang hưởng cho 1 năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước: 4.744.850 đồng

2/ Trợ cấp thêm 1 tháng lương cấp bậc đang hưởng cho 1 năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước: 4.744.850 đồng

3/ Trợ cấp 1 lần : 5.000.000 đồng

4/ Trợ cấp 1 lần đi tìm việc làm là 6 tháng tiền lương cấp bậc phụ cấp đang hưởng : 5.805.000 đồng.

Tuy nhiên đến 3/2012 doanh nghiệp lại tuyển dụng lại và người lao động đã nộp lại cho doanh nghiệp khoản 2 và 3 ở trên mà trước đó doanh nghiệp đã trả cho người lao động. đến tháng 1 năm 2024, người lao động chết do bệnh hiểm nghèo. Vậy Doanh nghiệp có phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động thời gian làm việc từ 1/1998 đến 11/2006 không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin chị cung cấp, tháng 11/2006 người lao động nghỉ việc do doanh nghiệp sắp xếp lại lao động và được hưởng 04 khoản trợ cấp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi năm 2002) khi người lao động nghỉ việc do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm:

Điều 17.

1- Trong trường hợp do thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ một năm trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo lại họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới; nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm, cứ mỗi năm làm việc trả một tháng lương, nhưng thấp nhất cũng bằng hai tháng lương.

Theo hướng dẫn tại Điều 12 Nghị định 39/2003/NĐ-CP:

“Điều 12. Mức trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ Luật Lao động được quy định như sau:

1. Trợ cấp mất việc làm được tính trên cơ sở mức lương quy định tại Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về tiền lương.

2. Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động đó đến khi bị mất việc làm. Trường hợp, người lao động trước đó có thời gian làm việc ở khu vực nhà nước mà chưa được nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm, thì thời gian đó chỉ được tính để nhận trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 42 của Bộ Luật Lao động. Khoản trợ cấp thôi việc này do Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm của đơn vị mà người lao động bị mất việc làm trả cùng trợ cấp mất việc làm.

Riêng đối với người lao động trong các doanh nghiệp thực hiện phương án sắp xếp lại và chuyển đổi theo các hình thức giao, bán, khoán, kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp và cổ phần hóa thì áp dụng theo các chế độ quy định về lao động của nhà nước đối với các trường hợp này...”

Như vậy, trường hợp người lao động bị mất việc làm do công ty thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ, dẫn đến dôi dư lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm, mỗi năm làm việc được hưởng một tháng tiền lương. Theo thông tin chị cung cấp, người lao động làm việc tại doanh nghiệp từ 01/01/1998 đến tháng 11/2006, tương đương 8 năm 11 tháng (được làm tròn 9 năm). Thời gian để tính trợ cấp mất việc làm là 9 năm. Do đó, khi người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp của chị có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động là 09 tháng tiền lương.

Đối với khoản trợ cấp khác chị đưa ra là khoản số 2, số 3 (Trợ cấp thêm 1 tháng lương cấp bậc đang hưởng cho 1 năm thực tế làm việc trong khu vực nhà nước và Trợ cấp 1 lần) và khoản số 4 (Trợ cấp một lần đi tìm việc) không phải là trợ cấp mất việc mà là những khoản trợ cấp do doanh nghiệp đưa ra để hỗ trợ người lao động bị mất việc làm.

Tháng 3/2012, khi được tuyển dụng lại, người lao động đã nộp lại cho doanh nghiệp khoản trợ cấp số 2 và số 3 là do sự thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp. Pháp luật không bắt buộc người sử dụng lao động phải chi trả các khoản trợ cấp trên và việc hoàn trả là sự tự nguyện của người lao động khi được doanh nghiệp tuyển dụng lại. Vì vậy, khi người lao động chết do bệnh hiểm nghèo (thuộc trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động tại Khoản 6 Điều 34 Bộ luật Lao Động năm 2019), theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được chi trả trợ cấp thôi việc với thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp trừ đi thời gian làm việc đã được hưởng trợ cấp mất việc làm như sau:

“Điều 46. Trợ cấp thôi việc

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Như vậy, chị cần kiểm tra lại khoản trợ cấp mất việc làm người lao động đã được chi trả khi nghỉ việc năm 2006 đã đúng và đầy đủ chưa. Nếu thời gian từ 01/01/1998 đến tháng 11/2006 người lao động đã nhận đầy đủ trợ cấp mất việc làm (tương đương 9 tháng lương) và không hoàn trả lại cho doanh nghiệp thì được xác định là thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Đến nay, doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải chi trả trợ cấp thôi việc cho khoảng thời gian này.

Trường hợp doanh nghiệp trả thiếu, chưa đủ trợ cấp mất việc làm thì doanh nghiệp vẫn phải có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc với thời gian người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp mà chưa được hưởng trợ cấp mất việc.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  trợ cấp thôi việc

,  

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi