Bố tôi là bệnh binh, tỷ lệ mất sức 62%. Năm 2000 bố tôi qua đời ở tuổi 47, mẹ tôi lúc đó 42 tuổi. 4 năm sau khi bố tôi mất, mẹ tôi tái giá. Sau 3 năm chung sống thì 2 người sống ly thân cho đến nay. Hiện nay mẹ tôi đã 64 tuổi, vậy tôi xin được tư vấn như trường hợp của mẹ tôi có được hưởng chế độ của vợ bệnh binh khi bệnh binh qua đời không? Được hưởng từ khi nào? Thủ tục để được hưởng chế độ gồm những gì? Kính mong các luật sư hãy tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Theo thông tin anh cung cấp, bố anh là bệnh binh suy giảm 62% khả năng lao động. Bố anh đã mất vào năm 2000, hiện tại anh đang vướng mắc về việc mẹ anh có được hưởng chế độ của thân nhân bệnh binh khi bệnh binh mất hay không. Tại Khoản 2 Điều 58 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 có quy định như sau: “Người có công với cách mạng là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết trước ngày 01 tháng 7 năm 2021 thì vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên tại thời điểm người có công với cách mạng chết được hưởng trợ cấp tuất; trường hợp vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi tại thời điểm người có công với cách mạng chết thì trợ cấp tuất được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
Theo quy định nêu trên thì tại thời điểm người có công với Cách mạng chết nếu vợ chưa đủ 55 tuổi hoặc chồng chưa đủ 60 tuổi thì trợ cấp tuất được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Do bố anh mất vào năm 2000 tại thời điểm này mẹ anh chưa đủ 55 tuổi vì vậy các chế độ của thân nhân bệnh binh sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm bố anh mất. Cụ thể sẽ áp dụng theo quy định tại Pháp lệnh số 36-L/CTN ngày 29/08/1994 của Uỷ Ban Thường Vụ Quốc Hội về việc ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tại Điều 15 Pháp lệnh này có quy định như sau: “Thương binh, bệnh binh được Nhà nước mua bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng lao động phù hợp với khả năng, trình độ phát triển kinh tế, khoa học - kỹ thuật của đất nước; được cấp phương tiện chuyên dùng cần thiết. Thương binh chết vì vết thương tái phát được xét xác nhận là liệt sĩ. Khi thương binh, bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% trở lên, chết vì ốm đau, tai nạn thì thân nhân được cấp tiền lễ tang, chôn cất, trợ cấp tiền tuất.”
Căn cứ theo quy định này, nếu bệnh binh bị mất sức lao động từ 61 % trở lên, chết vì ốm đau, tai nạn thì thân nhân được cấp tiền lễ tang, chôn cất, trợ cấp tiền tuất.
Ngoài ra, tại Điều 51 Nghị định 28-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng năm 1994 có quy định như sau: “Bệnh binh bị mất sức lao động từ 61% trở lên, chết do bệnh cũ tái phát hoặc chết do ốm đau, tai nạn thì người tổ chức mai táng được cấp khoản tiền lễ tang, chôn cất và thân nhân của người chết được hưởng tiền tuất như quy định đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định tại Điều 39 của Nghị định này.”
Điều 39 Nghị định 28-CP có quy định:
“Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động do thương tật từ 61% trở lên bị chết do ốm đau, tai nạn nếu không phải là người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được cấp tiền lễ tang, chôn cất mức 960.000 đồng và thân nhân được hưởng tiền tuất như sau:
1/ Vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi hợp pháp đến tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ, con chưa đủ 15 tuổi hoặc chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học phổ thông, bị tật nguyền bẩm sinh, bị tàn tật nặng từ nhỏ (bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú được pháp luật công nhận, con đẻ mà khi người chồng chết, người vợ đang mang thai) được hưởng tiền tuất hàng tháng mức 48.000 đồng/người.
2/ Vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi hợp pháp đến tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ sống cô đơn, không nơi nương tựa, con chưa đủ 15 tuổi hoặc chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học phổ thông, bị tật nguyền bẩm sinh, bị tàn tật nặng từ nhỏ mà mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mức 84.000 đồng/người.
3/ Trường hợp không có thân nhân hoặc thân nhân không thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng thì một trong những người thân khác đang đảm nhiệm việc thờ cúng được nhận tiền tuất một lần mức 600.000 đồng.
…”
Như vậy, căn cứ theo các quy định đã trích dẫn trên có thể thấy, khi bệnh binh mất sức lao động từ 61% trở lên mất do bệnh cũ tái phát hoặc chết do ốm đau, tai nạn nếu không phải là người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người tổ chức mai táng được cấp khoản tiền lễ tang, chôn cất và thân nhân của người chết được hưởng tiền tuất theo quy định.
Đối với chế độ tuất hàng tháng của thân nhân bệnh binh, chế độ tuất hàng tháng được chi trả cho thân nhân mà tại thời điểm bệnh binh mất, thân nhân của bệnh binh đáp ứng được độ tuổi theo quy định. Cụ thể, thân nhân là vợ (hoặc chồng), cha mẹ đẻ, người có công nuôi hợp pháp đến tuổi 60 đối với nam, 55 đối với nữ, con chưa đủ 15 tuổi hoặc chưa đủ 18 tuổi nếu còn đi học phổ thông, bị tật nguyền bẩm sinh, bị tàn tật nặng từ nhỏ.
Đối chiếu với trường hợp của anh, tại thời điểm bố anh mất, mẹ anh lúc đó 42 tuổi. Theo quy định tại Điều 39 Nghị định 28-CP nêu trên thì độ tuổi để được hưởng trợ cấp tuất với vợ của bệnh binh tại thời điểm bệnh binh mất phải là 55 tuổi. Tại thời điểm bố anh mất, mẹ anh mới 42 tuổi, chưa đủ độ tuổi để hưởng chế độ tuất hàng tháng theo quy định đã trích dẫn trên. Do đó, trường hợp này xác định mẹ anh không thuộc đối tượng được hưởng chế độ tuất hàng tháng với thân nhân của bệnh binh theo quy định pháp luật tại thời điểm bố anh mất.
Tuy nhiên, trong trường hợp tại thời điểm bố anh mất, nếu không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng và mẹ anh là thân nhân đang đảm nhiệm thờ cúng thì mẹ anh được hưởng tiền tuất một lần với mức 600.000 đồng.
Nếu tại thời điểm bố anh mất, mẹ anh chưa được tuất một lần như đã phân tích trên thì hiện tại mẹ anh có thể chuẩn bị hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp và gửi đến cơ quan quản lý lao động – thương binh và xã hội tại địa phương. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy chứng tử do bệnh viện hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường cấp.
- Hồ sơ bệnh binh.
- Giấy báo tử.
- Giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình do Uỷ ban nhân dân xã, phường cấp (như giấy chứng nhận thân nhân liệt sĩ).
- Quyết định trợ cấp; phiếu lập giấy chứng nhận và trợ cấp do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố cấp.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: