Tôi và chồng hiện đã ly hôn, tôi đang được toà án giải quyết cho nuôi con nhỏ, con trai tôi hiện được 8 tháng. Hiện tôi và chồng có thu nhập khoảng tương đương nhau. Giả sử đến khi con tôi đủ 36 tháng tuổi mà chồng đòi quyền nuôi con thì có được không, và tôi nên làm gì để không mất quyền nuôi con. Nếu trong quá trình tôi chăm sóc cháu không có vấn đề gì, chồng và gia đình chồng sang thăm cháu gia đình tôi vẫn tạo điều kiện chứ không ngăn cản gì, hoặc giả sử đến lúc đó thu nhập của chồng cao hơn tôi, có điều kiện vật chất tốt hơn tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Theo thông tin chị cung cấp, hiện tại chị đã thực hiện xong thủ tục ly hôn đơn phương, theo quyết định giải quyết của Tòa án chị đang được quyền trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, người cha vẫn có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có các căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
4. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.”
Như vậy, căn cứ theo quy định này thì người không trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có một trong các căn cứ theo quy định đã nêu trên.
Cụ thể, theo quy định của luật hôn nhân gia đình 2014 con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, tuy nhiên đến khi con chị đủ 36 tháng tuổi, người cha có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con nếu có một trong các căn cứ sau:
Thứ nhất, hai anh chị có thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con cho phù hợp với lợi ích của con;
Thứ hai, người cha có căn cứ chứng minh chị không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Các căn cứ chứng minh trong trường hợp này bao gồm các yếu tố sau:
Yếu tố vật chất như điều kiện ăn ở, học tập, vui chơi…các điều kiện này được xác định dựa trên thu nhập thực tế, chỗ ở hợp pháp, tài sản của người đang trực tiếp nuôi dưỡng con.
Yếu tố tinh thần bao gồm các điều kiện như thời gian trực tiếp chăm sóc, giáo dục con; tình cảm của cha, mẹ đối với con trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; điều kiện cho con vui chơi, hoàn thiện nhân cách; nhân cách của người trực tiếp nuôi con…
Như vậy, nếu người cha có căn cứ chứng minh chị không còn đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con như chúng tôi đã phân tích trên thì người cha có quyền yêu cầu Tòa án xem xét thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp này.
Với trường hợp của chị, để đảm bảo quyền nuôi con của mình khi con chị đủ 36 tháng tuổi trở lên thì chị cần đảm bảo được các điều kiện về vật chất và tinh thần khi trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (mặc dù thời điểm tranh chấp thu nhập của chị có thể thấp hơn người cha nhưng vẫn đảm bảo được việc nuôi dưỡng, giáo dục và đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt, học tập, vui chơi của con).
Trong trường hợp người cha khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con thì chị cần có căn cứ chứng minh mình vẫn đảm bảo điều kiện về vật chất và tinh thần để trực tiếp nuôi con (một số căn cứ chứng minh như thang lương, bảng lương, chỗ ở hợp pháp, thời gian làm việc, thời gian chăm con…). Bên cạnh đó, chị có thể đề cập đến vấn đề nếu thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống, học tập và phát triển của con để làm căn cứ đề nghị Tòa xem xét giải quyết.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: