Căn cứ ly hôn đơn phương và tranh chấp quyền nuôi con

Căn cứ ly hôn đơn phương và tranh chấp quyền nuôi con

2024-10-17 11:09:37 48

Tôi kết hôn 12 năm và có 2 con trai. Chồng tôi nghi ngờ tôi có quan hệ khác ngoài chồng (ngoại tình) sau khi đọc một số tin nhắn tôi nhắn cho đồng nghiệp khác giới. Nội dung tin nhắn rất bình thường không mang tính chất thân mật, hẹn hò hay nói những lời yêu thương. Ngoài ra chồng tôi không có bất cứ bằng chứng hình ảnh gì khác chứng minh là tôi ngoại tình. Và thực tế tôi không ngoại tình.

Vì mối nghi ngờ đó chúng tôi đã ly thân nửa năm nay, không ở nhà bỏ mặc mẹ con tôi đã gần nửa năm nay, một mình tôi chăm sóc cho hai con nhỏ (cháu lớn 5 tuổi, cháu bé 3 tuổi) sinh hoạt, học hành, cháu bé ốm phải đi viện định kỳ một mình tôi đảm nhiệm. Chồng tôi căn cứ vào những tin nhắn để làm bằng chứng, dùng thời gian ly thân với tôi để đề nghị đơn phương ly hôn với tôi trước Tòa và yêu cầu muốn nuôi 1 cháu.

Vậy Tôi xin hỏi Tôi không đồng ý ly hôn, Tòa có giải quyết đơn phương ly hôn của chồng tôi với các căn cứ và lý do trên? Tôi không ngoại tình Tòa có giải quyết theo mong muốn của tôi?

Hiện nay Tòa án đã Thụ lý và đưa vụ án ly hôn giữa tôi và chồng ra xét xử sơ thẩm. Tôi đã xin hoãn được 1 tháng. Nếu phải tham gia xét xử tôi sẽ phải nói gì trước Tòa để bảo vệ mình và gia đình. Tôi có cơ hội thắng không? Trong trường hợp Tòa xử ly hôn, tôi có được quyền nuôi hai con không? Chồng tôi không chu đáo để chăm con tốt. Bản thân tôi thu nhập 14tr/tháng. Sau khi ly hôn tôi vẫn ở cùng bố mẹ chồng.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Thứ nhất, về yêu cầu đơn phương ly hôn của chồng chị

Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:

“1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên có thể thấy trong trường hợp này chồng chị có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn.

Tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:

“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

…”

Căn cứ theo quy định của pháp luật, vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn nếu họ có căn cứ chứng minh vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.

Đối chiếu với trường hợp của chị, hiện tại chồng chị đang yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn với lý do chị có hành vi ngoại tình và hai anh chị sống ly thân.

Theo thông tin chị cung cấp, trên thực tế chị không thực hiện hành vi ngoại tình và các tin nhắn giữa chị và đồng nghiệp khác giới không mang tính chất thân mật, hẹn hò hay có những thông tin thể hiện chị có hành vi ngoại tình.

Do đó, nếu chồng chị yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn vì chị có hành vi ngoại tình nhưng không chứng minh được hành vi ngoại tình của chị thì chưa đủ căn cứ để Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn dựa trên lý do này.

Tuy nhiên, do anh chị có thời gian ly thân khoảng nửa năm do đó nếu chồng chị chứng minh được hai anh chị có thời gian dài ly thân, hai bên không quan tâm chăm sóc nhau dẫn đến không còn tình cảm và không thể tiếp tục chung sống thì Tòa án vẫn có thể chấp nhận yêu cầu đơn phương ly hôn của chồng chị.

Trong trường hợp chị không đồng ý với yêu cầu đơn phương ly hôn của chồng, chị vẫn còn tình cảm với chồng và không muốn thực hiện thủ tục ly hôn thì chị có thể trình bày ý kiến của mình về vấn đề này (chị nên trình bày rõ thông tin mình không có hành vi ngoại tình và vấn đề ly thân là do chồng chị cho rằng chị có hành vi ngoại tình dẫn đến chứ không phải xuất phát từ nguyên nhân hai anh chị không còn tình cảm, không có tiếng nói chung trong quá trình chung sống) với Tòa và đề nghị Tòa xem xét không giải quyết ly hôn đơn phương của người chồng với lý do chị ngoại tình và hai anh chị sống ly thân.

Thứ hai, về quyền nuôi con

Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“…2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

Như vậy theo quy định của pháp luật, khi giải quyết ly hôn mà phát sinh tranh chấp quyền nuôi con đối với con đã từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi thì Tòa án xem xét giao con cho một bên nuôi nếu chứng minh được mình có điều kiện đảm bảo phát triển mọi mặt của con tốt hơn bên còn lại.

Căn cứ chứng minh chủ yếu bao gồm các yếu tố sau:

Yếu tố vật chất như điều kiện ăn ở, học tập, vui chơi…các điều kiện này được xác định dựa trên thu nhập thực tế, chỗ ở hợp pháp, tài sản của người đang trực tiếp nuôi dưỡng con.

Yếu tố tinh thần bao gồm các điều kiện như thời gian trực tiếp chăm sóc, giáo dục con (chứng minh thông qua tính chất công việc, thời gian làm việc…); tình cảm của cha, mẹ đối với con trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục; điều kiện cho con vui chơi, hoàn thiện nhân cách; nhân cách của người trực tiếp nuôi con…

Đối chiếu với trường hợp của chị, hiện tại vợ chồng chị có 02 người con (một cháu 05 tuổi và một cháu 03 tuổi). Trong trường hợp tại thời điểm giải quyết ly hôn cả hai cháu đều đã đủ 03 tuổi trở lên nhưng chưa cháu nào đủ 07 tuổi và anh chị không thỏa thuận được với nhau về quyền nuôi con thì để giành được quyền nuôi cả hai con chị phải cung cấp được cho Tòa án các căn cứ chứng minh được mình có điều kiện hơn người chồng về các mặt như chúng tôi đã nêu trên.

Tòa án sẽ căn cứ vào những thông tin chị chứng minh được và xem xét điều kiện về mọi mặt của chị để quyết định quyền nuôi con trên phương diện đảm bảo sự phát triển tốt nhất của các con.  

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi