Mình có cho dì của mình mượn chứng minh thư để đi làm năm 2015. Sau đó mình ra trường và đi làm năm 2016 và có đóng bảo hiểm 5 tháng sau đó mình đi nước ngoài và giờ mình mới về nước. Mình có đi lấy bảo hiểm tại công ty mình làm nhưng họ bảo không có sổ vì mình trước đó đã đi làm rồi và họ bảo lên sở bảo hiểm lấy. Nhưng mình lên đó thì họ bảo mình vi phạm luật lên không thể lấy cũng như kiểm tra xem là mình có 2 số sổ không hay là 1 sổ và họ không giải quyết. Bây giờ mình phải làm như thế nào? Mong luật sư giải đáp cũng như hỗ trợ mình để mình có thể lấy được sổ bảo hiểm của bản thân mình ạ.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Theo thông tin chị cung cấp, chị có cho người khác mượn thông tin cá nhân để tham gia quan hệ lao động, hiện tại chị không giải quyết được chế độ bảo hiểm của mình do cơ quan bảo hiểm xác định chị có hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì hành vi cho người khác mượn thông tin cá nhân để tham gia bảo hiểm là hành vi bị nghiêm cấm.
Hành vi cho mượn chứng minh thư nhân dân có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể tại Điểm đ Khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì hành vi cho mượn chứng minh thư để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị phạt với mức từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì hành vi cho mượn chứng minh thư này có thể bị phạt với mức từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Trong trường hợp khi liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ, cơ quan bảo hiểm phát hiệm hành vi cho mượn chứng minh thư này thì cơ quan bảo hiểm có thể cơ quan bảo hiểm sẽ thực hiện xử phạt vi phạm hành chính với các mức phạt như đã nêu trên.
Cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý các vấn đề liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, người sử dụng lao động, do vậy, trong trường hợp chị có yêu cầu cơ quan bảo hiểm kiểm tra và giải quyết trường hợp liên quan đến việc tham gia bảo hiểm của mình thì cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết. Hiện nay, pháp luật bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về việc cơ quan bảo hiểm được quyền từ chối giải quyết với trường hợp của chị. Do vậy, việc cơ quan bảo hiểm trả lời như nội dung chị cung cấp là chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Trường hợp tiếp nhận thông tin về trường hợp của chị nếu cơ quan bảo hiểm xác định chị có hai sổ bảo hiểm và có thời gian tham gia trùng nhau thì cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết theo quy định tại Công văn 3663/BHXH-THU.
Cụ thể, tại Khoản 7 Mục II Công văn 3663/BHXH - THU về trình tự giải quyết hồ sơ gộp sổ bảo hiểm xã hội khi người lao động mượn, cho mượn hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội như sau:
“7.1. Bộ phận thu khi giải quyết hồ sơ gộp sổ, nếu phát hiện NLĐ có thời gian tham gia BHXH trùng do mượn hoặc cho mượn hồ sơ thì hướng dẫn NLĐ điều chỉnh nhân thân theo hướng dẫn tại công văn số 2609/BHXH ngày 25/7/2013, về việc phối hợp xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sổ BHXH.
NLĐ sau khi có Quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) và đã nộp phạt đúng quy định, thì nộp hồ sơ giải quyết theo Phiếu giao nhận hồ sơ (PGNHS) điều chỉnh nhân thân do mượn tên (303/.SO).
7.2. Trường hợp người cho mượn hồ sơ không liên lạc được với người mượn hồ sơ thì:
- Người cho mượn hồ sơ phải viết Đơn đề nghị (mẫu D01-TS) tường trình rõ lý do cho người khác mượn hồ sơ, nhưng do không liên lạc được và cam kết không thừa nhận quá trình sổ BHXH mà người mượn hồ sơ đã tham gia BHXH.
- Nộp hồ sơ giải quyết theo PGNHS gộp sổ (304/.SO).
- Bộ phận thu nhập quá trình tham gia BHXH do nơi khác quản lý mà NLĐ không thừa nhận (nếu có).
- Bộ phận cấp sổ thẻ khóa quá trình tham gia BHXH trên dữ liệu theo phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ NLĐ không thừa nhận tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Nếu sổ không thừa nhận đã hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp thì khóa phương án CT, TT và lập biên bản hủy số sổ không thừa nhận tại mục “Hủy có nhiều sổ”.
7.3. Trường hợp NLĐ mượn hồ sơ tham gia BHXH và đã hưởng hết các chế độ trên sổ mượn tên (hồ sơ giả), nay nộp hồ sơ giải quyết điều chỉnh nhân thân, có Quyết định xử phạt...theo (PGNHS303/.SO), thì thực hiện:
- Bộ phận cấp sổ thẻ khóa quá trình tham gia BHXH trên dữ liệu theo phương án CT, TT và lập biên bản thu hồi sổ tại mục “Thu hồi sổ giải quyết chế độ”. Trường hợp không còn sổ do bị cơ quan BHXH thu hồi hoặc bị mất sau khi hưởng hết chế độ thì chỉ khóa quá trình tham gia BHXH trên dữ liệu theo phương án CT, TT.
…”
Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, trước tiên khi phát hiện có hành vi cho mượn chứng minh thư dẫn đến có hai sổ hoặc thời gian trùng nhau cơ quan bảo hiểm phải thực hiện xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết theo quy định đã nêu trên.
Trường hợp cơ quan bảo hiểm từ chối giải quyết trường hợp của chị chị có quyền yêu cầu cơ quan bảo hiểm trả lời cụ thể căn cứ và lí do từ chối. Trong trường hợp cơ quan bảo hiểm từ chối không giải quyết hoặc không tiếp nhận thông tin chị cung cấp dẫn đến quyền lợi của chị bị ảnh hưởng chị có quyền làm đơn khiếu nại và gửi trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm nơi chị đang thực hiện thủ tục để khiếu nại về hành vi này của cán bộ bảo hiểm.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: