Cách xếp lương cho viên chức có thời gian làm việc trước khi được tuyển dụng

Cách xếp lương cho viên chức có thời gian làm việc trước khi được tuyển dụng

2024-09-16 11:16:49 104

Mình làm hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 1998, hưởng lương theo Nghị định 205, đến 2010 hết bậc (bậc 7, hệ số 4,40). Năm 2006 học đại học, 2010 có bằng, năm 2016 Ủy ban nhân dân huyện đặc cách viên chức, mình trúng tuyển và được xếp lại lương phiên qua tương đương 4,65 (bậc 8). Đến nay Ủy ban nhân dân huyện yêu cầu xếp lại lương bậc 1 từ năm 2010 (khi có bằng đại học). Như vậy đúng hay sai, xin tư vấn ạ! Nếu xếp lại như vậy thì mức lương hợp đồng lao động trước đây đã từng hưởng chênh lệch quá nhiều so với mức lương xếp lại? Xin cảm ơn!

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn có thời gian làm công việc theo chế độ hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 1998. Năm 2010 bạn có bằng đại học, đến năm 2016 bạn được tuyển dụng vào viên chức và đã được công nhận toàn bộ thời gian công tác từ năm 1998 vào thời gian để xếp bậc lương.

Ngày 29/9/2020, khi Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực, việc xếp lương cho viên chức khi được tuyển dụng áp dụng theo Khoản 5 Điều 13:

“5. Trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.

Việc xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định hiện hành”.

Theo đó, thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng mới được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp. Nếu áp dụng cách xếp lương theo quy định hiện hành thì nếu vị trí việc làm bạn được tuyển dụng yêu cầu trình độ đào tạo là đại học thì chỉ có thời gian công tác từ khi bạn có bằng đại học là năm 2010 mới được tính để xếp bậc lương.

Tuy nhiên, bạn được tuyển dụng vào năm 2016 (trước thời điểm Nghị định 115/2020/NĐ-CP có hiệu lực), việc xếp lương cho bạn khi được tuyển dụng vào viên chức thời điểm đó vẫn áp dụng quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BNV:

Điều 10. Trường hợp được miễn thực hiện chế độ tập sự

3. Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người được tuyển dụng đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp”.

Theo quy định trên thì khi được tuyển dụng vào viên chức, người được tuyển dụng có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc và làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng sẽ được tính để xếp lương vào chức danh nghề nghiệp. Quy định của pháp luật tại thời điểm đó không yêu cầu thời gian làm việc được tính để xếp lương vào chức danh nghề nghiệp phải có trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng.

Pháp luật hiện nay cũng không có quy định đối với các trường hợp đã được tuyển dụng và xếp lương trước đó theo Thông tư 15/2021/TT-BNV sẽ phải xếp lại bậc lương theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP. Do đó, nếu như việc xếp lương cho bạn vào năm 2016 đúng với quy định tại Thông tư 15/2012/TT-BNV thì không có căn cứ để UBND huyện yêu cầu xếp lại lương cho bạn theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP.

Với những thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi chưa rõ UBND huyện dựa vào căn cứ nào để yêu cầu xếp lại bậc lương cho bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý thêm trường hợp đơn vị căn cứ vào việc năm 2016 khi xếp lương cho bạn, đơn vị đã xếp lương không đúng theo Thông tư số 15/2012/TT-BNV. Cụ thể:

Pháp luật thời điểm đó chỉ có quy định người được tuyển dụng có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc và làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng sẽ được tính thời gian công tác đó để xếp lương vào chức danh nghề nghiệp. Tuy nhiên, pháp luật lại không có hướng dẫn cụ thể về cách xác định như nào thì được coi là làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng. Việc đánh giá tính chất công việc có phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng hay không do đơn vị sự nghiệp công lập xem xét. Do vậy, trường hợp đơn vị cho rằng năm 2016 khi xếp lương cho bạn, đơn vị đã đánh giá không đúng về tính chất công việc chuyên môn nghiệp vụ mà bạn đã làm từ năm 1998, việc xếp lương năm 2016 không thực hiện đúng theo Thông tư số 15/2012/TT-BNV thì đơn vị có căn cứ để yêu cầu xếp lại bậc lương cho bạn.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi