Công ty và nhân viên có thương lượng mức lương Bảo hiểm xã hội, Bảo Hiểm y tế, BHTN là từ 6.000.0000 -> 13.000.000. Khi deal lương nhân viên deal là NET, có tổng thu nhập cao hơn mức lương cơ bản ví dụ là: 20 triệu.
Nếu HĐLĐ ghi như sau có được không: “Các khoản thỏa thuận khác gồm: tiền cơm trưa, thưởng mặc định, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, nhà ở, trang phục…theo quy định của Công ty”. Hay phải chi tiết ra cụ thể cho từng hạng mục?
Ngoài mức thu nhập deal được, nhân viên có tiền cơm sáng 30K/ngày TỨC KHOẢNG 630k/THÁNG, tiền thưởng 6 tháng 1 lần nhưng tùy theo kinh doanh của công ty. Vậy thuế thu nhập cá nhân phải tính như nào?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Về nội dung của hợp đồng lao động:
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Bộ luật lao động 2019, quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động:
“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
...".
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác là một trong những nội dung chủ yếu phải có trong Hợp đồng lao động. Trên hợp đồng lao động, công ty có thể ghi cụ thể số tiền lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác của người lao động hoặc chỉ cần thể hiện cụ thể mức lương và có thỏa thuận người lao động được hưởng phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo các quy chế công ty đã được ban hành.
Đối với trường hợp của công ty chị, mức lương tham gia BHXH dao động từ 6 – 13 triệu, nhưng tổng thu nhập thực tế khoảng 20 triệu. Cơ cấu bảng lương công ty có thể phân chia theo quy chế công ty và sự thỏa thuận giữa công ty và NLĐ gồm:
- Mức lương theo công việc hoặc theo chức danh (lương chính): Phải tham gia BHXH
- Phụ cấp lương gồm:
+ Các khoản phụ cấp để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt…Ví dụ: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc độc hại, phụ cấp kiêm nhiệm… (Phải tham gia BHXH)
+ Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động. Ví dụ: Lương KPI, Lương hiệu suất công việc…(Không phải tham gia BHXH)
- Các khoản bổ sung khác: Các chế độ phúc lợi như tiền thưởng, xăng xe, điện thoại, ăn trưa, đồng phục, đi lại…(Không phải tham gia BHXH)
2. Về việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân:
Về tiền ăn trưa, ăn giữa ca, tiền trang phục:
Căn cứ quy định tại Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) quy định các khoản thu nhập chịu thuế:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
...g) Không tính vào thu nhập chịu thuế đối với các khoản sau:
g.5) Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.
Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Mức chi cụ thể áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội không quá mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đối với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và các tổ chức khác, mức chi do thủ trưởng đơn vị thống nhất với chủ tịch công đoàn quyết định nhưng tối đa không vượt quá mức áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước.”
Đối chiếu với quy định tại Khoản 4 Điều 22 Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH thì Công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Tại Công văn số 73511/CT-TTHT ngày 05/11/2018 theo Cục thuế TP. Hà Nội có hướng dẫn để các khoản chi phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca cho người lao động không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thì các khoản chi này cần được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính của công ty, Quy chế lương thưởng của Công ty.
Như vậy, trường hợp công ty không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Phần vượt quá sẽ tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân. Các khoản chi này phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính của công ty, Quy chế lương thưởng của Công ty.
Tương tự đối với khoản chi trang phục, trường hợp doanh nghiệp chi trang phục cho nhân viên bằng tiền hoặc hiện vật thì mức chi tối đa bằng tiền không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, nếu chi bằng hiện vật có hóa đơn chứng từ thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động và các khoản chi này cần được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính của công ty, Quy chế lương thưởng của Công ty
Về khoản tiền thưởng theo kết quả kinh doanh của công ty:
Căn cứ quy định tại điểm e Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm cả: Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ một số khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu, giải thưởng của Nhà nước, các hội, tổ chức thuộc Tổ chức chính trị-xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội-nghề nghiệp của Trung ương và địa phương, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; tiền thưởng về phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, khoản tiền thưởng theo kết quả kinh doanh của công ty người lao động phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: