Các trường hợp thành viên được rút vốn khỏi công ty trách nhiệm hữu hạn

Các trường hợp thành viên được rút vốn khỏi công ty trách nhiệm hữu hạn

2024-10-11 11:02:22 45

Công ty tôi là công ty cổ phần 2 thành viên đóng góp tiền và thành lập tháng năm 2020. Nhưng do kinh tế khó khăn làm ăn không có lãi. Đến nay thành viên còn lại muốn rút vốn. Và yêu cầu đóng bao nhiêu lấy lại cần đó. Các anh chị tư vấn giúp em trong trường hợp này với ạ. Em cảm ơn các anh chị

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin anh cung cấp, công ty được thành lập bởi 2 thành viên góp vốn sẽ được xác định loại hình là Công ty TNHH hai thành viên, không phải công ty cổ phần (bởi công ty cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông sáng lập cùng vóp vốn thành lập công ty).

Về quy định thành viên trong công ty TNHH muốn rút vốn theo quy định của pháp luật:

Khoản 2 Điều 50 Luật doanh nghiệp 2020 quy định thành viên Hội đồng thành viên trong công ty TNHH hai thành viên:“Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 51, 52, 53 và 68 của Luật này.”

Như vậy, nếu muốn rút vốn ra khỏi công ty, thành viên đó chỉ có thể thực hiện thông qua các hình thức sau:

  • Được công ty hoàn trả lại một phần vốn góp theo quy định tại Điều 68 Luật doanh nghiệp 2020;
  • Yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp theo quy định tại Điều 51 Luật doanh nghiệp 2020;
  • Chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên còn lại hoặc chuyển nhượng cho người không phải là thành viên công ty theo quy định tại Điều 52 Luật doanh nghiệp 2020.

Theo Điều 68 Luật doanh nghiệp 2020 quy định công ty TNHH hai thành viên không thể hoàn trả toàn bộ vốn góp của một thành viên mà chỉ có thể hoàn trả một phần vốn góp cho các thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên.

Theo quy định tại Điều 51 Luật doanh nghiệp 2020, thành viên có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó không tán thành nghị quyết/quyết định của HĐTV về một trong các vấn đề sau:

Điều 51. Mua lại phần vốn góp

1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:

a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trongĐiều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

b) Tổ chức lại công ty;

c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

2. Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.

4. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.

Như vậy, trường hợp công ty mua lại toàn bộ phần vốn góp của thành viên đó thì phải thuộc trường hợp người này không tán thành nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về một trong các vấn đề sau đây:

  • Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
  • Tổ chức lại công ty;
  • Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

Nếu thuộc một trong các trường hợp được quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp tại Điều 51 Luật doanh nghiệp nêu trên thì công ty có thể thực hiện việc thông qua nghị quyết của HĐTV để mua lại toàn bộ vốn góp của thành viên. Giá mua lại phần vốn góp do các bên tự thỏa thuận theo giá thị trường, theo định giá giá trị doanh nghiệp theo sổ sách kế toán hoặc theo phương pháp khác mà Điều lệ công ty quy định (nếu có). Đồng thời thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp tương ứng với số vốn góp đã mua lại của thành viên.

Lưu ý, việc mua lại phần vốn góp của thành viên chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Công ty tự kiểm tra hồ sơ sổ sách kế toán để xác định các nghĩa vụ và khoản nợ để xác định điều kiện thanh toán mua lại phần vốn góp của thành viên.

Do sau khi mua lại toàn bộ phần vốn góp của 1 thành viên, dẫn đến hậu quả là công ty chỉ còn 1 thành viên góp vốn. Do vậy, công ty làm thủ tục chuyển đổi loại hình từ công ty TNHH 2 thành viên sang công ty TNHH Một thành viên. Hồ sơ chuyển đổi theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 26 và Điều 24 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP.

Trường hợp thành viên yêu cầu mua lại phần vốn góp không có lý do nêu tại khoản 1 Điều 51 Luật doanh nghiệp 2020 thì công ty từ chối mua lại phần vốn góp của thành viên đó.

Lưu ý: Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  rút vốn công ty

,  

công ty TNHH

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi