Các giao dịch thông qua tài khoản cá nhân có được tính vào chi phí doanh nghiệp không?

Các giao dịch thông qua tài khoản cá nhân có được tính vào chi phí doanh nghiệp không?

2024-10-01 11:26:06 68

Tôi có ký hợp đồng với một số đối tác nước ngoài chạy quảng cáo, trong khi ký hợp đồng toàn là hợp đồng điện tử có để thông tin công ty (có upload bản scan Đăng ký kinh doanh ở một số đối tác có yêu cầu). Tuy nhiên khi thanh toán chi phí cho họ thì tôi lại dùng tiền cá nhân từ tài khoản nước ngoài thanh toán qua Payoneer là ngân hàng ở nước ngoài để trả. Như vậy tôi có đang phạm luật gì không, nếu có phạm luật thì phạt có bị nặng không ?

Trường hợp khác, tôi dùng tên công ty để ký hợp đồng chạy quảng cáo cho họ, khi thanh toán lại chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không vào tài khoản công ty. Vậy có vi phạm không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Thứ nhất, trường hợp công ty tại Việt Nam chi trả tiền quảng cáo  cho đối tác nước ngoài bằng tài khoản cá nhân.

  • Hành vi liên quan đến thanh toán bằng ngoại tệ:

Theo thông tin chị cung cấp, trong trường hợp này công ty tại Việt Nam có thuê các công ty nước ngoài để họ cung cấp dịch vụ quảng cáo. Sau đó, việc thanh toán phí quảng cáo bằng ngoại tệ lại được bên công ty Việt Nam chi bằng tài khoản cá nhân.

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 70/2014/NĐ-CP, việc thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và các nguồn thu vãng lai khác được thực hiện như sau:

“1. Người cư trú có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc từ các nguồn thu vãng lai khác ở nước ngoài phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam phù hợp với thời hạn thanh toán của hợp đồng hoặc các chứng từ thanh toán, trừ một số trường hợp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cho phép giữ lại một phần hoặc toàn bộ nguồn thu ngoại tệ ở nước ngoài.

2. Mọi giao dịch thanh toán và chuyển tiền liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện bằng hình thức chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép.”

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 nêu trên,việc thanh toán phí dịch vụ quảng cáo cho đối tác nước ngoài phải được thực hiện bằng việc chuyển khoản thông qua tổ chức tín dụng được phép. Do vậy, công ty chị cần liên hệ các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để thực hiện việc thanh toán ngoại tệ cho đối tác ở nước ngoài, trường hợp ủy quyền cho cá nhân chi hộ thì cần có nội dung ủy quyền này nêu tại Hợp đồng dịch vụ quảng cáo.

Trường hợp việc thanh toán dịch vụ  bằng ngoại tệ không được thực hiện tại các tổ chức tín dụng được phép, thì có thể bị xử phạt vi phạm theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, tùy theo giá trị thanh toán.

Ví dụ: theo khoản 2 Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu có hành vi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 đôla Mỹ đến dưới 10.000 đôla Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

  • Hành vi vi phạm (nếu có) liên quan đến khai thuế thu nhập doanh nghiệp:

Trong trường hợp này, công ty tại Việt Nam phát sinh chi phí quảng cáo. Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, chi phí này chỉ được tính là chi phí hợp lý để được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, nếu đáp ứng điều kiện có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đối với khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo hướng dẫn tại Điều 1 Thông tư 173/2016/TT-BTC: “Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi hoặc lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”

Theo quy định trên, nếu khoản chi quảng cáo cho đối tác nước ngoài từng lần từ 20 triệu đồng trở lên, việc thanh toán phải được thực hiện bằng việc chuyển tiền từ tài khoản của công ty. Trường hợp công ty Việt Nam hoạt động dưới mô hình doanh nghiệp tư nhân thì có thể chuyển tiền từ tài khoản của chủ doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp công ty Việt Nam không trực tiếp thanh toán mà ủy quyền cho người khác thanh toán hộ thì việc thanh toán theo uỷ quyền phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản (văn bản điện tử cũng được coi là hợp lệ) và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này phải xác định việc công ty tại Việt Nam chi trả các chi phí quảng cáo, hoặc ghi nhận doanh thu quảng cáo thì có thực hiện hạch toán, kê khai thuế theo quy định hay không? Các hành vi vi phạm về thuế và hóa đơn sẽ là các hành vi cần làm rõ để xác định bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Cụ thể, nếu việc chuyển tiền không đáp ứng quy định trên, thì không được xác định là chi phí hợp lý được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nếu công ty Việt Nam đã kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp và đưa các khoản chi phí này hạch toán vào chi phí được trừ, dẫn đến hậu quả là làm giảm số tthuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thì được xác định là hành vi khai sai. Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt bằng 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định.

Trường hợp hành vi khai sai nhưng không làm tăng số tiền thuế được hoàn, hoặc không làm giảm số tiền thuế phải nộp thì bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. 

Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, hoặc đã hạch toán nhưng chủ động khai lại để điều chỉnh giảm chi phí và tự giác nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi bị cơ quan quản lý thuế kiểm tra, thì không bị xử phạt về hành vi khai sai.

  • Hành vi liên quan đến nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế nhà thầu:

Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo cho công ty Việt Nam thì tùy trường hợp có thể phát sinh thuế nhà thầu.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư 103/2014/TT-BTC, nếu đối tác nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo cho công ty Việt Nam và được công ty ở Việt Nam thanh toán thu nhập, nhưng dịch vụ này được thực hiện ở nước ngoài thì không phát sinh thuế nhà thầu.

Trường hợp công ty nước ngoài thực hiện dịch vụ quảng cáo qua internet để tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ tại thị trường ở Việt Nam, thì thu nhập chi trả cho công ty nước ngoài, thuộc trường hợp phải chịu thuế nhà thầu (gồm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp). Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 103/2014/TT-BTC, Công ty tại Việt Nam có trách nhiệm trích lại tiền thuế, kê khai và nộp thay thuế nhà thầu cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thì thuế nhà thầu thuộc trường hợp khai thuế theo từng lần phát sinh. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai và nộp theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Trường hợp chậm nộp hồ sơ kê khai, nộp thuế nhà thầu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về việc nộp chậm hồ sơ khai thuế hoặc hành vi trốn thuế theo Điều 13 và Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Thứ hai, trường hợp công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ quảng cáo cho đối tác nước ngoài và nhận doanh thu bằng ngoại tệ thông qua tài khoản ngân hàng của cá nhân.

Khi công ty Việt Nam ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quảng cáo cho công ty nước ngoài thì doanh thu từ hợp đồng này được xác định là doanh thu của công ty và phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong trường hợp nguồn thu này được thanh toán bằng ngoại tệ thì phải chuyển vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam theo quy định tại Điều 5 Nghị định 70/2014/NĐ-CP. Nếu công ty phát sinh nguồn thu ngoại tệ, nhưng không trực tiếp thu tiền mà thu thông qua tài khoản của cá nhân thì cần có ủy quyền thu hộ khoản ngoại tệ này nêu trong hợp đồng.

Trường hợp không có ủy quyền mà cá nhân phát sinh nhiều giao dịch ngoại tệ đáng ngờ, không phù hợp với  thu nhập, hoạt động kinh doanh của người này thì những giao dịch này có thể bị kiểm tra, thanh tra và báo cáo với cơ quan quản lý thuế để xác định nghĩa vụ thuế.

Như vậy, đối với nguồn thu ngoại tệ từ việc quảng cáo cho đối tác nước ngoài, thì nguồn thu này phải kê khai và xác định chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Trường hợp công ty Việt Nam không kê khai, nộp thuế đối với khoản doanh thu này thì được xác định là thực hiện hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 143 Luật quản lý thuế 2019.

Hành vi trốn thuế bị xử phạt với mức phạt từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi