Khoảng 1 tháng trước, tôi gây tai nạn dẫn đến chết người, hiện tại vụ án chưa xét xử. sự việc diễn ra khi tôi đi làm bằng xe của công ty, nên bây giờ xe của công ty bị giữ tại công an, hôm nay bên công an huyện thông báo cho tôi là đền cho nhà bị nạn 150tr rồi kết thúc hồ sơ. Nhưng tôi không có khả năng lo đủ số tiền đó ngay, công an huyện gọi cho bên phía công ty của tôi và nói rằng làm như vậy bên người nhà người bị hại sẽ rút đơn kiện và viết đơn giảm án cho phía bên tôi, bên tôi sẽ được giảm án 1 vài năm? Cho tôi hỏi làm như vậy tôi có phải đi tù không, có được giảm án không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo thông tin bạn cung cấp, người gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người hiện đang chờ vụ án đưa ra xét xử, tức là đã bị khởi tố về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015.
Điều 260 BLHS quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
......”
Cấu thành tội phạm đối với tội này gồm:
- Có hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ;
- Hành vi vi phạm đó là nguyên nhân dẫn đến tai nạn;
- Hậu quả là gây thương tích cho người khác từ 61% trở lên, hoặc gây chết người.
Trong trường hợp thỏa mãn dấu hiệu nêu trên, người gây tai nạn sẽ bị khởi tố hình sự và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với thắc mắc của bạn liên quan đến giảm nhẹ mức hình phạt nếu bồi thường cho bị hại.
Khi tòa án quyết định hình phạt đối với bị cáo, sẽ căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (nếu có) để quyết định mức hình phạt cụ thể trong khung hình phạt.
- Khung hình phạt nếu bị truy cứu theo khoản 1 Điều 260 BLHS: phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Khung hình phạt nếu bị truy cứu theo khoản 2 Điều 260 BLHS: phạt tù từ 03 năm đến 10 năm
Trong đó, tình tiết người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả cho bên bị hại, được quy định là 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 151 Bộ luật hình sự 2015.
Khi bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ, tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ mức hình phạt so với trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, mức hình phạt có được giảm nhẹ hơn 1 vài năm hay mức giảm cụ thể là bao nhiêu thì không thể xác định, bởi lẽ pháp luật không quy định mức giảm nhẹ.
Cần lưu ý rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại sẽ vẫn phát sinh, đây là trách nhiệm bắt buộc quy định tại Điều 584 và Điều 591 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể, người nào có lỗi, dẫn đến gây thiệt hại về tính mạng cho người khác thì phải bồi thường thiệt hại cho bị hại, bao gồm:
- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại (nếu có);
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho thân nhân của bị hại.
Theo đó, kể cả khi người phạm tội không tự nguyện bồi thường thì tòa án cũng sẽ quyết định mức bồi thường khi xét xử và nêu trong bản án hình sự.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu có khả năng tự nguyện bồi thường thiệt hại trước khi tòa án tuyên án, có thể bồi thường tạm thời trước 1 phần hoặc toàn bộ (tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của bị cáo), để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Khi giao tiền cho thân nhân của bị hại thì cần lập biên bản bàn giao, biên bản thỏa thuận về việc bồi thường. Đại diện bị hại có thể làm đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để gửi tòa án/cơ quan tố tụng, tuy nhiên việc làm đơn xin giảm nhẹ không phải là bắt buộc. Chỉ cần người phạm tội chứng minh được rằng đã tự nguyện bồi thường một khoản tiền cho bị hại và cung cấp chứng cứ về việc đã bồi thường thiệt hại, thì vẫn được xác định là được hưởng tình tiết giảm nhẹ nêu tại điểm b, khoản 1 Điều 51 BLHS.
Mặc dù pháp luật không quy định mức hình phạt cụ thể sẽ được giảm nhẹ là bao nhiêu, nhưng chắc chắn tòa án sẽ căn cứ vào tình tiết giảm nhẹ này để xem xét giảm nhẹ hình phạt khi tuyên án.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: