Ông nội tôi mất năm 2010 không có di chúc, có để lại mảnh đất 5.000 m2. Ông bà nội có tổng cộng 8 người con: 4 tại Việt Nam và 4 tại Mỹ.
Năm 2018 bà nội cùng 4 người con tại VN làm bản thừa kế, 4 người con tự nguyện không nhận tài sản (trong đó có ba tôi) để cho bà nội tự quyết định. Bản thừa kế có công chứng tại xã và Huyện. Dựa trên bản thừa kế này bà nội tôi mới tiến hành làm sổ đỏ thành công.
Năm 2020 bà nội tôi có cho tôi mảnh đất này và tôi đã sang tên sổ đỏ thành công. Cách nay 3 tháng tôi mới vừa bán tài sản mảnh đất này thì 4 người cô chú tại Mỹ bỏ sót trong bản thừa kế dọa sẽ kiện lên tòa yêu cầu hủy bỏ bản thừa kế lập năm 2006 vì cho rằng bỏ sót người thừa kế.
Xin Luật sư tư vấn tôi làm như thế nào bảo vệ tài sản của tôi. Tài sản tôi có hợp pháp không nếu bản thừa kế bị hủy bỏ.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:
Theo thông tin anh cung cấp thì tài sản có nguồn gốc của ông nội. Sau khi ông nội mất thì gia đình có làm thủ tục để nhận di sản thừa kế. Khi đó, 4 người con ở Việt Nam đều từ chối nhận di sản thừa kế, UBND xã đã chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế khi không có sự thỏa thuận với 4 người con ở nước ngoài.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.
Như vậy, sau khi ông nội chết thì di sản thừa kế do ông nội để lại sẽ được phân chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông nội, bao gồm: bà nội và 8 người con.
Căn cứ quy định tại Điều 656 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 656. Họp mặt những người thừa kế
1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
2. Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản”.
Do bà nội và 8 người con đều có quyền thừa kế nên việc phân chia di sản thừa kế cần có sự thỏa thuận bằng văn bản của bà nội và cả 8 người con. Trường hợp của gia đình bạn khi làm thủ tục phân chia di sản thừa kế không có sự thỏa thuận của 4 người con ở nước ngoài nên văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đó chưa được coi là hợp pháp vì thiếu người thừa kế.
Hiện nay, 4 người con ở nước ngoài có quyền khởi kiện để yêu cầu đòi lại di sản thừa kế. Tuy nhiên, sau khi bà nội hoàn tất thủ tục nhận di sản thừa kế và đứng tên trên sổ đỏ thì năm 2020, bà nội có tặng cho anh tài sản này. Cách đây 03 tháng, anh đã chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác.
Căn cứ theo Điều 133 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 133. Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu
1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Anh có thể được xem xét là người thứ ba ngay tình. Sau khi anh nhận được tài sản tặng cho từ bà nội, anh đã chuyển nhượng đất cho người khác. Hợp đồng chuyển nhượng của anh cho người khác không bị vô hiệu. 4 người con ở nước ngoài không có quyền đòi lại tài sản là hiện vật từ anh nhưng có quyền khởi kiện để yêu cầu bà nội và 4 người con ở Việt Nam phải hoàn trả phần giá trị tài sản thừa kế mà họ được hưởng và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).
Tuy nhiên, anh lưu ý trong trường hợp của gia đình anh, do mối quan hệ trong hợp đồng tặng cho giữa hai bên quá gần gũi (bà nội và cháu), do vậy, cần xem xét đến tính khách quan để xác định anh có phải người thứ 3 ngay tình hay không. Trường hợp anh không phải người thứ 3 ngay tình thì người đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của anh vẫn được xác định là người thứ 3 ngay tình. Khi đó, 4 người con bên nước ngoài không có quyền đòi lại quyền sử dụng đất từ người nhận chuyển nhượng nhưng có quyền khởi kiện bà nội, 4 người con tại Việt Nam và anh hoàn trả phần giá trị tài sản thừa kế mà họ được hưởng.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: