Bị thầy giáo xàm sỡ có được đăng tải lên mạng xã hội không?

Bị thầy giáo xàm sỡ có được đăng tải lên mạng xã hội không?

2024-01-24 10:45:24 146

Em có ý định muốn tố cáo một thầy giáo trước đây có xàm sỡ em, chuyện xảy ra cũng đã lâu, Em sợ là người thầy đó có thể kiện em vì vu khống ngược lại vì em không có bằng chứng. Em chỉ có lời của em và bạn bè của em cũng bị như thế, không biết bọn nó có dám ra toà với em không. Em muốn đăng tải nội dung này lên mạng xã hội có được không? Em là nam, các bạn khác nạn nhân em quen cũng là nam.

Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:

 Thông tin bạn cung cấp không nêu rõ về thời gian đối tượng mà bạn nhắc đến thực hiện hành vi dâm ô. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tư vấn dựa trên các quy định pháp luật hiện hành (bao gồm Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự 2015; …).

1. Xác định hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi như trong bài viết mà bạn đã đề cập

Theo thông tin mà bạn cung cấp, tại thời điểm người được bạn đề cập thực hiện hành vi “lạm dụng tình dục” lúc đó bạn đạt 13 hoặc 14 tuổi (dưới 16 tuổi). Người này có hành vi động chạm vào bộ phân sinh dục của bạn và một số các bạn nam khác trong lớp học, trường hợp trên có thể xác định đây là hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi và không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.

Căn cứ quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi quy định:

“1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% ...”

Theo đó, nếu việc động chạm vào bộ phận sinh dục đã diễn ra với nhiều người nhằm mục đích kích thích hoặc thỏa mãn nhu cầu về tình dục (không nhằm mục đích giao cấu) của người mà bạn nêu hoàn toàn có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 146 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Tuy nhiên, để có thể kết luận người mà bạn nhắc đến có phạm tội dâm ô hay thực hiện hành vi dâm ô hay không cần có các căn cứ chứng minh rõ ràng hơn.

Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ như sau:

“Điều 87. Nguồn chứng cứ

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

a) Vật chứng;

b) Lời khai, lời trình bày; ...”

Lời khai, lời trình bày được xác định là nguồn chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, không thể xác định tội danh của một người chỉ dựa vào lời khai của một bên. Do đó, bạn cần có một số loại chứng cứ khác hoặc cơ quan điều tra cần phải chứng minh được người mà bạn nhắc đến có thực hiện hành vi dâm ô hay không.

Ngoài ra, bạn cần quan tâm đến thời gian thực hiện hành vi của đối tượng được nhắc đến để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu bị truy tố theo khoản 2 điều 146 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm.

2. Về quyền tố giác hành vi vi phạm của người đã thực hiện hành vi dâm ô đối với cá nhân bạn

Khi phát hiện có người thực hiện hành vi trái quy định pháp luật và có căn cứ để xác định là phạm tội, bạn có thể tiến hành tố giác hành vi của người này lên cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Trong trường hợp trên, bạn (và những người bị hành vi trên xâm phạm) có quyền tố giác hành vi. Căn cứ quy định tại Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy  định:

“1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

...

4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.”

Như vậy, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì được tố cáo hành vi đó với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ Điều 145 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) về trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định:

“1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:

a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;...”

Theo đó thì thẩm quyền giải quyết tin tố giác là cơ quan điều tra, bạn cần làm đơn (kèm theo các tài liệu, chứng cứ liên quan) đến cơ quan điều tra thuộc công an nhân dân cấp huyện nơi diễn ra hành vi của đối tượng mà bạn đề cập.

3. Về việc đăng tải thông tin về vụ việc lên mạng xã hội và quy định pháp luật về tội vu khống

Theo quy định của pháp luật, nếu bạn đăng tải các thông tin sai sự thật, thông tin vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu việc đăng tải các thông tin của bạn là các thông tin đúng sự thật khách quan thì sẽ không có căn cứ để tiến hành xử lý.

Căn cứ Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội quy định:

“1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; ...”

Nếu thông tin bạn cung cấp lên mạng xã hội là thông tin đúng sự thật, nhằm mục đích tố cáo hành vi dâm ô thì không có căn cứ để tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật (Có căn cứ để xác định hành vi dâm ô diễn ra trên thực tế). Tuy nhiên, trường hợp của bạn để làm rõ hành vi có dấu hiệu dâm ô của người bạn nêu, bạn cần thu thập chứng cứ, tài liệu, lời khai người làm chứng, người bị xâm phạm rõ ràng hơn và nên trình báo lên các cơ quan chức năng để tiến hành giải quyết theo quy định.

Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vu khống quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền....”

Để xác định một người có phạm tội vu không hay không, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được người đó có thuộc một trong hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, hành vi bắt buộc phải có để cấu thành tội này là “bịa đặt”, đối với trường hợp tường thuật đúng sự thật thì sẽ không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này. Trong trường hợp chưa có (hoặc không có) căn cứ để chứng minh hành vi dâm ô diễn ra thì hành vi đăng tin lên mạng xã hội là căn cứ để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống, nên bạn cần lưu ý.

Lưu ý:

Trên đây là nội dung giải đáp về Bị thầy giáo xàm sỡ có được đăng tải lên mạng xã hội không? . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi