Yêu cầu chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện

Yêu cầu chia di sản thừa kế khi đã hết thời hiệu khởi kiện

2024-09-24 16:22:10 66

Bà ngoại tôi sinh ra được 5 người con gái và không có con trai, hiện tại 3 người dì đã chết chỉ còn lại dì thứ 5 năm nay 71 tuổi và mẹ tôi thứ 3 năm nay 87 tuổi. Ông ngoại chết rất lâu không nhớ năm còn bà ngoại chết năm 1987, lúc chết bà để lại 2 mảnh đất một mảnh 500m2 có nhà cấp 4 và một mảnh 2000 m2 làm vườn, đến năm 1995 người dượng lấy dì thứ 2 ở lại đã làm chủ quyền đất mang tên ô dượng đó mà không có tên vợ ông (tức bà chị của mẹ tôi). Hai đứa con trai của ô dượng cũng chia đôi mảnh vườn 2000 m2 để ở và cũng được ubnd huyện cấp quyền sử dụng đất, đến năm 2024 mẹ tôi mới biết đất của ô bà ngoại đã bị cấp bìa cho anh rể và cháu, mẹ tôi đã làm đơn khỏi kiện ra toà án nhân dân tỉnh để chia thừa kế cho 5 người con đẻ của bà ngoại, xin luật sư tư vấn giúp việc đòi đất và chia thừa kế như vậy có đúng pháp luật không? Xin luật sự trợ giúp pháp lý. Xin trân trọng cảm ơn.

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Theo thông tin anh cung cấp thì diện tích đất gia đình đang tranh chấp có nguồn gốc của ông bà ngoại để lại. Ông bà ngoại đều mất trước năm 1987, sau khi ông bà ngoại mất thì vợ chồng người con gái thứ 2 ở lại trên mảnh đất 500m2 cùng 01 ngôi nhà và 2000 m2 đất vườn do ông bà để lại. Năm 1995 người dượng (chồng của người con gái thứ 2) đã làm sổ đỏ mang tên dượng (không có tên dì). Năm 2024 mẹ của anh mới biết nên đã khởi kiện để yêu cầu chia thừa kế.

Về thời hiệu thừa kế: Căn cứ quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thì:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Như vậy, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Trong trường hợp của anh, ông bà ngoại đã chết trước năm 1987 nên tính đến nay thì thời hiệu để yêu cầu phân chia di sản là quyền sử dụng đất đã hết. Di sản là quyền sử dụng đất thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 30 năm (Điều 236 Bộ luật dân sự 2015).

Sau khi ông bà ngoại chết, vợ chồng người dì thứ hai đã quản lý di sản và trực tiếp sinh sống trên đất, do vậy, khi hết thời hiệu thừa kế, vợ chồng người dì thứ hai có căn cứ để được công nhận quyền sử dụng đất.

Mặc dù tính đến năm 2024 thì thời hiệu thừa kế đã hết, tuy nhiên khi mẹ anh khởi kiện ra tòa án để yêu cầu giải quyết thì tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu khi có yêu cầu theo quy định tại Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:

“Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự

1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.”

Như vậy, nếu như mẹ anh khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chia thừa kế, trong quá trình giải quyết vụ án nếu gia đình người dượng có yêu cầu tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế thì mẹ anh sẽ không còn quyền yêu cầu chia thừa kế theo quy định tại Điều 623 nêu trên.

Trường hợp không có yêu cầu áp dụng thời hiệu thừa kế: do hiện nay người dượng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên để mẹ anh có căn cứ yêu cầu phân chia di sản thừa kế thì cần chứng minh nguồn gốc sử dụng đất là của ông bà ngoại. Chứng cứ chứng minh căn cứ trên hồ sơ địa chính, sổ mục kê, các giấy tờ về đất, xác minh của chính quyền địa phương….

Khi chứng minh được nguồn gốc sử dụng đất là của ông bà ngoại để lại thì việc phân chia di sản được thực hiện theo thỏa thuận hoặc chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế của ông bà ngoại (trong đó có mẹ bạn)

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi