Tôi muốn được tư vấn về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo TT 03/2021 như sau: Hiện tại trường tôi đang chuyển đổi hạng giáo viên theo tt 22/2015 Sang TT 03/2021 và gặp một số vấn đề thắc mắc sau:
- Thứ nhất: theo thông tư 03/2021 thì những gv khi đc tuyển dụng vào đã đc chức danh NN V.07.04.11 và đã thỏa mãn các tiêu chuẩn của hạng II theo điều 4 trong TT03 đều được chuyển đổi thành V.07.04.31. ĐIỀU ĐÓ CÓ ĐÚNG KHÔNG? tại điểm k điều 4 trường hợp này áp dụng cho những đối tượng nào?
- Những trường hợp giáo viên mang mã số v.07.04.12 sau đó đã bổ sung các tiêu chuẩn gv hạng II theo thông tư 22/2015 và đã thi xét đạt CDNN hạng II năm 2019 đc mang mã số v.07.04.11! vậy thì theo thông tư 03/2021 họ có được giữ nguyên hạng II mới là V.07.04.31 ko? hay sẽ xuống hạng III 07.04.32. điểm k điều 4 có đc áp dụng trong trường hợp này không?
- Tôi hiện tại là gv hạng II theo tt 22/2015 là V.07.04.11! đến thời điểm hiện tại, tôi đã đủ các đk của gv hạng I theo thông tư 03/2021! Vậy bây giờ tôi có đc nâng hạng I theo thông tư mới này không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Điều kiện bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II
Căn cứ theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) thì:
“Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31
1. Nhiệm vụ
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới từ cấp trường trở lên; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử;
b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên;
c) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
d) Tham gia đoàn đánh giá ngoài; hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên;
đ) Tham gia ban giám khảo hoặc ban ra đề hoặc người hướng dẫn trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên (nếu có).
2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở và triển khai thực hiện có kết quả vào nhiệm vụ được giao;
b) Có khả năng điều chỉnh linh hoạt kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; có khả năng xây dựng bài học theo chủ đề liên môn;
c) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;
d) Chủ động cập nhật và có khả năng vận dụng sáng tạo các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
đ) Có khả năng vận dụng có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục;
e) Chủ động, tích cực tạo dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh, tin tưởng với cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
g) Chủ động nghiên cứu và có khả năng cập nhật kịp thời các yêu cầu mới về chuyên môn, nghiệp vụ; có khả năng vận dụng sáng tạo, phù hợp, có hiệu quả các hình thức nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
h) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;
i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;
k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Trường hợp viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo Điều 7 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT như sau:
a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);
c) Giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30).
Như vậy, trường hợp đang Giáo viên THCS hạng II, mã V07.04.11, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT nêu trên thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31). Khi được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31), việc xếp lương được thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT: “b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.31, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38”.
2. Trường hợp giáo viên mang mã số V.07.04.12 (giáo viên hạng III) sau đó dược xét thăng hạng II (mã số V.07.04.11) từ năm 2019.
Theo điểm K khoản 4 Điều 4 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì để được dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên. Tuy nhiên Điểm k Khoản 4 Điều 4 được áp dụng đối với trường hợp thi tuyển hoặc xét tuyển thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Trường hợp không thăng hạng thì được bổ nhiệm vào mã ngạch V.07.04.31 mà không áp dụng điều kiện tại Điểm k Khoản 4 Điều 4 nêu trên.
Như vậy, trường hợp hiện nay đang là giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11) nếu đủ các điều kiện nêu tại Điều 4 (trừ điểm k Khoản 4) Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31)
3. Trường hợp xét thăng hạng giáo viên THCS hạng I
Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT quy định:
“Điều 5. Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30
1. Nhiệm vụ
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải thực hiện những nhiệm vụ sau:
a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
b) Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên từ cấp huyện trở lên hoặc tham gia dạy học trực tuyến;
c) Chủ trì triển khai, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai các chủ trương, nội dung đổi mới của ngành;
d) Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp huyện trở lên; tham gia đánh giá hoặc hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp huyện trở lên;
đ) Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp huyện trở lên (nếu có).
2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp
Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.
3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;
b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I.
4. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
a) Tích cực, chủ động thực hiện và tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng nghiệp thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục trung học cơ sở vào nhiệm vụ được giao;
b) Có khả năng thực hiện và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp xây dựng bài học theo chủ đề liên môn;
c) Có khả năng thực hiện và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc vận dụng phương pháp, công nghệ dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và địa phương;
d) Vận dụng và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc sử dụng các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
đ) Vận dụng và hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong việc triển khai có hiệu quả các biện pháp tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh, cách lồng ghép trong hoạt động dạy học và giáo dục;
e) Có khả năng đề xuất với nhà trường các biện pháp tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh;
g) Có khả năng hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ;
h) Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng I và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao;
i) Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp bộ/ban/ngành/tỉnh trở lên; hoặc bằng khen từ cấp tỉnh trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;
k) Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 (sáu) năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng”.
Theo đó, trường hợp Giáo viên THCS hạng I mã V.07.04.10, nếu đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 nêu trên thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I mã số V.07.04.30 theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT.
Đối với trường hợp của bạn đang là giáo viên THCS hạng II để được thăng hạng giáo viên THCS hạng I theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì bạn phải dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng I và phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng theo quy định tại điểm k Khoản 4 Điều 5 nêu trên.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: