Xác định quyền thừa kế và thủ tục tách thửa sau khi phân chia thừa kế

Xác định quyền thừa kế và thủ tục tách thửa sau khi phân chia thừa kế

2024-11-22 11:51:06 47

Ông bà nội tôi có một mảnh đất và một ngôi nhà gỗ sổ đỏ mang tên bác trưởng. Năm 1980 bà lập di chúc chia cho ba người con trai trong đó có bố tôi. Năm 1982 cụ mất các con cháu vẫn ở đó và xây dựng nhà ở không có tranh chấp, đến nay ông chú vẫn còn sống, ông bác và bố mẹ tôi đã mất và vẫn để lại cho các con thừa hưởng. Vì mảnh đất mang tên ông bác nên tôi muốn làm lại sổ đỏ tách thửa cho các gia đình nhưng trong đó có một gia đình không đồng ý tách thửa và muốn giữ nguyên hiện trạng. Như vậy tôi có làm tách thửa được không.

Trong di chúc cụ tôi để lại có nói nhà và đất chia cho con cháu để ở nếu không có nhu cầu để ở thì phải nhượng bán cho anh em trong nhà không được nhượng bán cho người ngoài. Nếu làm thủ tục tách thửa cho ba nhà thì người đại diện và chữ ký của ba nhà ai chịu trách nhiệm. Về phía nhà ông bác có 4 người con một trai ba gái một người đã mất. Về phía nhà ông chú ông còn sống bà đã mất có 3 người con 2 trai một gái. Còn về phía nhà tôi có 7 anh chị em một gái 6 trai. Người đại diện cho một gia đình có phải lấy chữ ký đồng thuận của các thành viên trong gia đình hay không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Theo thông tin anh cung cấp thì diện tích đất và ngôi nhà có nguồn gốc là tài sản của ông bà nội anh. Tuy nhiên, hiện tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại mang tên của người bác trưởng. Tại Khoản 21 Điều 3 Luật đất đai 2024 có quy định như sau: “21. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật này có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này”.

Như vậy, người bác đang được xác định là người sử dụng đất hợp pháp. Quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là tài sản thuộc sở hữu của người bác. Hiện nay, người bác đã mất nên quyền sử dụng đất và căn nhà được xác định là di sản thừa kế của người bác để lại và được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bác.

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 thì hàng thừa kế thứ nhất gồm: “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”.

Do vậy, xét theo pháp luật thì hiện nay anh không thuộc hàng thừa kế của người bác và không có quyền đối với thửa đất này. Trong trường hợp này, việc phân chia di sản thừa kế và tách thửa sẽ do tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bác thỏa thuận. Việc anh hoặc những người khác không thuộc hàng thừa kế của người bác muốn nhận được một phần tài sản cần thỏa thuận với những người thừa kế của người bác và làm thủ tục tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Sau khi gia đình phân chia di sản, nếu phần diện tích anh được nhận đủ hạn mức tách thửa tối thiểu theo quy định về hạn mức đất tách thửa theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành thì anh có thể liên hệ với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương để làm thủ tục tách thửa.

Bên cạnh đó, theo thông tin anh cung cấp thì nguồn gốc đất là của ông bà nội để lại. Do đó, nếu như những người thừa kế của bác trưởng không hợp tác trong việc trả lại gia đình anh phần thừa kế của bố anh được hưởng theo di chúc của bà thì anh có thể xem xét việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bác có đúng hay không.

Giả sử người bác chỉ đứng tên trên sổ đỏ với tư cách đại diện cho những người thừa kế hoặc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bác không đúng quy định của pháp luật (nguồn gốc đất là của ông bà nhưng người bác tự ý kê khai đứng tên mình hoặc khi ông bà mất gia đình không làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế mà người bác tự ý đi làm sổ đỏ, …). Trong trường hợp này, nếu chứng minh được người bác chỉ đứng tên trên sổ đỏ với tư cách đại diện cho những người thừa kế hoặc việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người bác không đúng quy định của pháp luật, nguồn gốc đất là của ông bà nội thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phân chia di sản thừa kế. Khi đó, quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là di sản thừa kế của ông bà để lại và được chia cho những người thừa kế của ông bà theo nội dung của di chúc (hoặc chia theo pháp luật nếu không có di chúc).

Do người bác và bố anh đã mất nên phần thừa kế của người bác và bố anh được hưởng từ ông bà sẽ do những người thừa kế của người bác và người thừa kế của bố anh được nhận thay.

Tuy nhiên, anh lưu ý về thời hiệu chia thừa kế, theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Ông bà nội anh chết từ năm 1982, do đó tính đến nay đã hết thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản. Do vậy, nếu như gia đình không tự thỏa thuận được về việc phân chia di sản thừa kế và tách thửa thì anh có thể sẽ gặp bất lợi do thời hiệu khởi kiện để phân chia di sản thừa kế đã hết và người bị kiện yêu cầu áp dụng thời hiệu thừa kế. Khi đó, di sản thuộc quyền sở hữu của người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  chia thừa kế

,  

tách thửa đất

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi