Vợ vay tiền nhưng đã mất, chồng có nghĩa vụ trả nợ không?

Vợ vay tiền nhưng đã mất, chồng có nghĩa vụ trả nợ không?

2024-11-22 10:53:59 55

Mẹ tôi trước khi qua đời có nợ số tiền từ một người quen và mẹ tôi có viết tay giấy nợ (có chữ ký của mẹ, cha không biết nên không có chữ ký của cha, con cái cũng không biết khoản nợ này) sau khi mẹ tôi qua đời thì chủ nợ làm đơn gửi lên tòa án giải quyết. Trong khi đó tài sản thì chỉ có phần có đất ruộng do mẹ và cha đứng tên (hiện đang thế chấp trong ngân hàng), xe thì do cha đứng tên và một số tài sản khác do cha mua riêng, còn nhà đất thì chưa có giấy tờ, con cái chưa được hưởng tải sản. Vậy tôi xin hỏi một số thắc mắc như sau:

- Cha và tôi có phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này không?

- Đất ruộng thế chấp trong ngân hàng sẽ được giải quyết như thế nào?

- Phần tài sản do cha mua riêng, tải sản do cha đứng tên và nhà đất chưa có giấy tờ sẽ được giải quyết ra sau?

Xin nhờ luật sư giúp giải đáp thắc mắc. Xin cảm ơn!

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi: 

Thứ nhất, về nghĩa vụ đối với khoản vay:

Theo thông tin anh cung cấp, hợp đồng vay tài sản giữa mẹ anh và bên cho vay không có chữ ký của các con. Do các con không ký tên trong hợp đồng vay tài sản của mẹ anh đồng thời cũng không ký tên bảo lãnh việc thanh toán trong hợp đồng vay tài sản do đó các con không có nghĩa vụ thanh toán khoản vay trong hợp đồng này khi mẹ mất. Tuy nhiên, nếu các con được hưởng thừa kế từ việc phân chia di sản thừa kế của mẹ khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ trả nợ trong hợp đồng vay thì các con vẫn có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản mà mình được hưởng thừa kế.

Đối với cha anh, để xác định ông có nghĩa vụ trả nợ hay không cần xác định khoản vay này của mẹ anh có phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình hay không.

Nếu khoản vay này là khoản vay cá nhân phục vụ cho các mục đích riêng của mẹ anh, không đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về riêng mẹ anh và cha anh không có nghĩa vụ cùng liên đới trả nợ.

Nếu khoản vay này nhằm phục vụ mục đích thiết yếu của gia đình thì mặc dù cha anh không ký tên vào hợp đồng vay tài sản nhưng cha anh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ này cùng mẹ anh căn cứ theo quy định tại Điều 27 Luật hôn và nhân gia đình 2014. Cụ thể như sau:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Tại Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình như sau:

“1. Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

…”

Tại Điều 37 Luật hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về Nghĩa vụ chung

“Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

…”

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên, trong thời kỳ hôn nhân vợ hoặc chồng được tự mình thực hiện các giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình. Các nhu cầu thiết yếu bao gồm nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình.

Đối chiếu với trường hợp của anh, nếu khoản vay này mẹ anh vay nhằm phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì mặc dù cha anh không cùng ký tên trên hợp đồng vay nhưng cha anh vẫn có nghĩa vụ liên đới cùng chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ mẹ anh đã vay.

Do vậy, nếu khi giải quyết vụ việc tại Tòa án, nếu có căn cứ chứng minh khoản vay này của mẹ anh nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cha anh có trách nhiệm liên đới cùng thanh toán khoản nợ nêu trên.

Thứ hai, về việc xử lý tài sản để thanh toán khoản vay:

Trước khi xác định việc xử lý tài sản để thanh toán khoản vay cần xác định các tài sản anh liệt kê là tài sản riêng hay tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân. Theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì có thể xác định tài sản chung của vợ chồng bao gồm các tài sản được hình tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tài sản do vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung và các tài sản khác do vợ chồng cùng thỏa thuận là tài sản chung.

Tài sản riêng là các tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn, tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản có được sau khi vợ chồng phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Đối chiếu với trường hợp của anh, mảnh đất ruộng đứng tên chung của cha mẹ là tài sản chung của ông bà. Đối với các tài sản còn lại nếu được cha anh mua trong thời kỳ hôn nhân, cha mẹ anh cũng không có văn bản thỏa thuận nào về việc xác định đây là tài sản riêng thì các tài sản này đều được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Khi mẹ anh mất, tất cả các tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi, ½ tài sản thuộc sở hữu của mẹ anh, ½ tài sản thuộc sở hữu của cha anh.

Từ đó, nếu khoản vay của mẹ anh không nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cha anh không có nghĩa vụ cùng liên đới thực hiện trả nợ. Khi đó, toàn bộ tài sản của mẹ anh sẽ được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho khoản vay này. Sau khi thanh toán hết các nghĩa vụ đối với khoản nợ, nếu phần tài sản của mẹ anh vẫn còn thì sẽ được sử dụng để phân chia thừa kế theo quy định pháp luật.

Nếu khoản vay của mẹ anh nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình thì cha anh có nghĩa vụ liên đới cùng trả nợ. Khi đó, toàn bộ tài sản chung cha mẹ anh sẽ được sử dụng để thanh toán khoản nợ này, nếu số tài sản chung không đủ để thanh toán thì sẽ xem xét đến tài sản riêng hiện có của cha, mẹ anh.

Đối với phần đất đang được thế chấp tại ngân hàng, nếu trong trường hợp không có tài sản nào khác để thanh toán khoản vay hoặc tất cả các tài sản khác không đủ để thanh toán cho khoản vay này thì có căn cứ để xử lý tài sản đang thế chấp tại ngân hàng này nếu tài sản đang thế chấp này có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Tuy nhiên, khi xử lý tài sản này cần phải thông báo cho bên nhận thế chấp và bên nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản này.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Từ khóa:  nợ chung

,  

nợ riêng

,  

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi