Tôi năm nay 47 tuổi, đang làm việc hợp đồng tại một cơ quan nhà nước, đã đóng BHXH được 21 năm. Tôi đang có ý định nghỉ việc. Xin Luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi một vài nội dung sau:
- Tôi có thể nghỉ hưởng hưu trí được không? Nếu không đủ điều kiện thì tôi cần làm những gì để được hưởng? Nếu đủ điều kiện thì mức hưởng sẽ tính như thế nào?
- Tôi nghỉ việc thường thì được hưởng những khoản bảo hiểm nào từ BHXH, cần những thủ tục gì? Rất mong nhận được sự tư vấn từ chuyên gia. Cảm ơn.
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
Theo thông tin chị cung cấp thì chị làm việc tại một cơ quan nhà nước nhưng thuộc đối tượng làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
1. Về điều kiện hưởng lương hưu
Căn cứ theo quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2019 về tuổi nghỉ hưu:
“1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
4. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Như vậy, trong năm 2024 thì độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ là đủ 56 tuổi 4 tháng. Theo thông tin chị cung cấp thì hiện nay chị 47 tuổi và có 21 năm tham gia BHXH. Đối chiếu với quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì chị đã đủ số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhưng chưa đủ tuổi để hưởng lương hưu.
Người lao động chưa đủ điều kiện nghỉ hưu đúng tuổi thì có thể được hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động theo Điều 219 Bộ luật lao động 2019. Cụ thể:
“Điều 219. Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến lao động
1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14:
...
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 55 như sau:
“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có tuổi thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%;
b) Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
…”
Theo thông tin chị cung cấp thì chúng tôi hiểu chị không làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hai, nguy hiểm. Năm nay chị 47 tuổi, do đó, chị chỉ được hưởng lương hưu nếu suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Hiện nay, nếu chị nghỉ việc khi chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì chị có thể bảo lưu thời giant ham gia BHXH chờ đến năm đủ tuổi để hưởng lương hưu và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
2. Chế độ trợ cấp thôi việc do đơn vị chi trả:
Điều 46 Bộ luật lao động 2019:
“Điều 46. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.
Như vậy, trừ trường hợp chị đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hoặc bị sa thải thì khi nghỉ việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, chị được hưởng trợ cấp thôi việc do đơn vị chi trả.
Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm. Theo quy định của pháp luật thì từ ngày 01/01/2009, người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên thời gian để tính trợ cấp thôi việc sẽ được tính từ thời gian chị bắt đầu làm việc đến hết 12/2008. Mỗi năm làm việc được hưởng nửa tháng tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
3. Chế độ trợ cấp thất nghiệp
Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, chị có thể làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm 2013 như sau:
“Điều 49. Điều kiện hưởng
Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
…
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, chị cần phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đến trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập. Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu;
- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của quyết định thôi việc;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Thời gian, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện theo Điều 50 Luật Việc làm 2013:
“Điều 50. Mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.”
Như vậy, mỗi năm đóng bảo hiểm thất nghiệp chị sẽ được hưởng 1 tháng trợ cấp với mức trợ cấp tính bằng 60% x bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Đồng thời với việc hưởng chế độ trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp thì với thời gian tham gia BHXH 21 năm, chị có thể bảo lưu thời gian tham gia BHXH và đợi đến năm đủ tuổi để nghỉ hưu đúng tuổi hoặc đủ tuổi để đi giám định sức khỏe và nghỉ hưu do bị suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 219 Bộ luật lao động 2019.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: