Luật sư cho hỏi: Nghị định 45/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/08/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch bắt đầu có hiệu lực.
Vậy hướng dẫn viên du lịch khi đi tour cần có những giấy tờ gì?
Mời bạn tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:
1. Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên du lịch
Căn cứ Mục 1 Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 quy định:
1.1. Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 3 điều kiện sau:
(1) Có thẻ hướng dẫn viên du lịch;
(2) Có hợp đồng lao động lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.
(3) Có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch, cụ thể như sau:
- Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp này, hướng dẫn viên phải có văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đó - đáp ứng điểm c khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch.
- Đối với hướng dẫn viên là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoặc là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch (thể hiện qua văn bản xác nhận của tổ chức xã hội - nghề nghiệp; hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch) - đáp ứng yêu cầu tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch, khi thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn du lịch cho đoàn khách du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành khác, phải có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp đó. Hợp đồng hướng dẫn cũng là một loại hợp đồng nhưng là hợp đồng theo từng vụ việc, tuy nhiên, nội dung của hợp đồng hướng dẫn khác với nội dung của hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch ở nội dung công việc thực hiện, thời gian thực hiện và các nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp ký hợp đồng hướng dẫn.
Các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động như trách nhiệm đóng, nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm y tế và Luật việc làm.
1.2. Theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017, để được hành nghề hướng dẫn viên du lịch tại điểm, người hành nghề hướng dẫn phải có đồng thời 2 loại giấy tờ sau:
(1) Thẻ hướng dẫn viên du lịch;
(2) Có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch
1.3. Nghĩa vụ của hướng dẫn viên khi đi hành nghề hướng dẫn du lịch
Theo quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, khi hành nghề hướng dẫn du lịch, hướng dẫn viên phải mang theo các giấy tờ sau:
(1) Đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch;
(2) Hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa phải mang theo giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch và chương trình du lịch bằng tiếng Việt trong khi hành nghề. Trường hợp hướng dẫn khách du lịch quốc tế thì hướng dẫn viên du lịch phải mang theo chương trình du lịch bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.
Đối chiếu quy định tại khoản 3 Điều 58 và quy định tại khoản 2 Điều 65 Luật Du lịch 2017, quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017 phục vụ công tác hậu kiểm, hướng dẫn viên không phải mang các giấy tờ chứng minh điều kiện hành nghề quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017.
Như vậy, theo quy định trên Hướng dẫn viên du lịch PHẢI CÓ các giấy tờ sau:
- Có thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc văn bản xác nhận của tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (Giấy tờ phân công nhiệm vụ và Chương trình du lịch)
Khi thực hiện hướng dẫn du lịch người hướng dẫn PHẢI MANG:
- Thẻ hướng dẫn viên du lịch
- Văn bản phân công nhiệm vụ và chương trình du lịch
Pháp luật không quy định hướng dẫn viên du lịch phải mang theo hợp đồng lao động với đơn vị kinh doanh lữ hành (Mục 1 Công văn số 120/TCDL-LH ngày 8/2/2018 của Tổng cục du lịch hướng dẫn việc thi hành hướng dẫn viên không phải mang các giấy tờ chứng minh điều kiện hành nghề quy định tại điểm b khoản 3 Điều 58 Luật Du lịch 2017).
Hơn nữa theo khoản 1, 2, 7 điều 9 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch chỉ có quy định xử phạt:
- Hành vi không đeo thẻ hướng dẫn
“1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch trong khi hành nghề hướng dẫn du lịch.”
- Hành vi không xuất trình (không mang) quyết định phân công, chương trình du lịch
“2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không xuất trình được phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp tổ chức chương trình du lịch theo quy định trong khi hành nghề;
b) Không xuất trình được chương trình du lịch theo quy định trong khi hành nghề.”
- Hành vi không có thẻ hướng dẫn viên
“7. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không có thẻ hướng dẫn viên du lịch khi hành nghề;
b) Sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả để hành nghề hướng dẫn.”
2. Về việc đóng con dấu của doanh nghiệp trên giấy tờ phân công nhiệm vụ và chương trình du lịch:
Việc sử dụng con dấu đóng trên các văn bản do doanh nghiệp phát hành theo quy định riêng của doanh nghiệp (Pháp luật trao quyền quyết định về sử dụng và lưu giữ con dấu cho doanh nghiệp)
Tại Luật doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp có quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty.
Luật du lịch và các văn bản hướng dẫn KHÔNG quy định bắt buộc quyết định phân công nhiệm vụ và chương trình du lịch phải đóng dấu của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Do vậy, việc sử dụng con dấu trên các văn bản này sẽ do điều lệ của công ty và thỏa thuận của các bên tham gia dịch vụ.
3. Quy định về việc tham gia Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch
Theo điều 7 Luật du lịch 2017 thì Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày ngày 21 tháng 04 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Căn cứ điểm b khoản 3 điều 58 Luật du lịch 2017 và Mục 1 Công văn số 120/TCDL-LH ngày 8/2/2018 của Tổng cục du lịch quy định điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên du lịch như sau: “Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch. Trong trường hợp không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn, hướng dẫn viên phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch; theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Du lịch, việc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp là quyền của hướng dẫn viên, hướng dẫn viên có quyền lựa chọn là thành viên của doanh nghiệp hoặc là thành viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp; hướng dẫn viên là nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành cũng có quyền lựa chọn tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.” Hướng dẫn muốn hành nghề phải là lao động trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, nếu không có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành thì phải là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch (Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch).
Theo phân tích tại mục 1 hướng dẫn viên chỉ phải mang các giấy tờ là thẻ hướng dẫn viên, văn bản phân công nhiệm vụ và chương trình du lịch không phải mang các giấy tờ quy định tại điểm b khoản 3 điều 58 Luật du lịch 2017 (bao gồm hợp đồng lao động hoặc văn bản xác nhận là hội viên của tổ chức xã hội nghề nghiệp)
Theo nội dung anh trình bày, thanh tra chuyên ngành của sở du lịch địa phương yêu cầu Hướng dẫn viên phải tham gia vào Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch là KHÔNG chính xác vì theo điểm b khoản 3 điều 58 Luật du lịch 2017 và Mục 1 Công văn số 120/TCDL-LH ngày 8/2/2018 có nêu hướng dẫn viên đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp lữ hành thì có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia Tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hiệp hội hướng dẫn viên du lịch).
4. Hình thức hợp đồng lao động
Căn cứ điều 20 Bộ luật Lao động 2019 có nêu các loại hợp đồng lao động bao gồm:
Điều 20. Loại hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại sau đây:
a) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng;
b) Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
2. Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;
b) Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn, trừ hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước và trường hợp quy định tạikhoản 1 Điều 149, khoản 2 Điều 151 và khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
Mục 1 Công văn 120/TCDL-LH năm 2018 cũng nêu: “Đối với hướng dẫn viên là nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành (thể hiện qua hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng)”
Như vậy, đối với hướng dẫn viên du lịch có thể ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 36 tháng (có thể dưới ký dưới 12 tháng; hiện nay không còn loại hợp đồng lao động theo mùa vụ).
Theo điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định các đổi tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; ....”
Theo khoản 3 điều 85 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có nêu:
“3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.”
Như vậy, với trường hợp người lao động ký hợp đồng lao động xác định thời hạn trên 14 ngày dưới 30 ngày (1 tháng) vẫn phải kê khai và đóng bảo hiểm xã hội theo đúng quy định.
Lưu ý:
Trên đây là nội dung giải đáp về “Quy định của pháp luật liên quan tới xử lý vi phạm hành chính đối với hướng dẫn viên du lịch” . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ số hotline 093.650.0818
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: