Tôi đứng tên phụ trách khoa nội tổng hợp họ phòng khám của vợ chồng chú ruột nhiều năm, nhưng không được chi trả tiền của việc thuê bằng này. Tôi có thể làm gì để yêu cầu hợp pháp phòng khám phải chi trả theo giá trị thực tế? các cơ quan ban ngành nào sẽ tiếp nhận xử lý vấn đề này của tôi?
Mời anh tham khảo bài viết sau đây của chúng tôi:
Thứ nhất, về hiệu lực của thỏa thuận cho thuê văn bằng và xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho thuê văn bằng
Theo thông tin mà anh cung cấp, anh có đứng tên hộ để chú ruột có thể kinh doanh các hoạt động khám chữa bệnh (khoa nội tổng hợp). Theo đó, nếu anh chứng minh được việc anh và chú của anh có thỏa thuận về việc thuê văn bằng thì anh có thể thỏa thuận và yêu cầu người thuê thanh toán tiền, yêu cầu trả lại văn bằng, chứng chỉ và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) hoặc có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chú của anh cư trú nếu như không thực hiện đúng thỏa thuận.
Tuy nhiên, cần phải xét đến yếu tố quy đinh của pháp luật trước khi khởi kiện, theo quy định của pháp luật thì hành vi cho thuê văn bằng để đủ điều kiện mở phòng khám và thực hiện hoạt động kinh doanh là trái pháp luật.
Tại khoản 2, khoản 4 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 về các hành vi bị cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh quy định:
“2. Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.
…
4. Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hoạt động.”
Việc thuê và cho thuê chứng chỉ hành nghề để thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là vi phạm điều cấm của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu; Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.” Căn cứ quy định trên xác định giao dịch cho thuê, cho mượn văn bằng để thực hiện các hoạt động kinh doanh khám chữa bệnh là vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khoản 2 Điều 131 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hậu quả pháp lý giao dịch dân sự vô hiệu quy định: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận”. Sau khi xác định giao dịch cho thuê văn bằng vô hiệu, anh và anh rể, chị gái của anh sẽ phải trả lại cho nhau những gì đã nhận, anh rể và chị gái của anh có nghĩa vụ trả lại văn bằng cho anh và không được tiếp tục sử dụng chứng chỉ này.
Ngoài ra, người thuê, cho thuê văn bằng để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh còn bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi của mình. Tại Khoản 7 Điều 38 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP xử lý đối với hành vi Vi phạm quy định về hành nghề và sử dụng chứng chỉ hành nghề của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
“7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
b) Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;
c) Khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu và trường hợp thực hiện thêm các kỹ thuật chuyên môn đã được cho phép theo quy định của pháp luật;
d) Thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để hành nghề;
đ) Cho người khác thuê, mượn chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; …”
Theo thông tin mà anh cung cấp, anh là người cho thuê văn bằng để chú thực hiện hoạt động khám chữa bệnh. Trong trường hợp trên, anh và chú của anh (mỗi bên) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng cho hành vi nêu trên.
Thứ hai, thẩm quyền giải quyết, xử phạt đối với hành vi thuê, cho thuê văn bằng trong hoạt động khám chữa bệnh
Điều 104 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định về về thẩm quyền xử phạt của Thanh tra chuyên ngành quy định:
Chánh Thanh tra Sở Y tế có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về dân số; đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; đến 37.500.000 đồng đối với vi phạm hành chính về bảo hiểm y tế; đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế;;”
Theo đó, Chánh thanh trả sở Y tế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế. Để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi thuê văn bằng để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh, anh có thể trình báo hành vi trên lên thanh tra sở Y tế để xử lý. Sau khi tiếp nhận đơn, cơ quan thanh tra Sở Y tế sẽ thực hiện hoạt động kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm của cơ sở khám chữa bệnh có hành vi thuê văn bằng, chứng chỉ của anh.
Lưu ý:
Trên đây là nội dung giải đáp về “Tư vấn pháp luật về hành vi mượn bằng cấp để mở phòng khám?” . Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: