Cha tôi mất 04/2020 có di chúc căn nhà cho 03 con (trong di chúc ghi rõ tên và số CMND, 01 người 50% , 2 người mỗi người 25%)
1- Tôi phải làm thủ tục nào, ở đâu, các bước như thế nào để nhận tài sản thừa kế.
2- Khi nhận thừa kế có bắt buộc phải sang tên sổ mới luôn không? Nếu khi chưa ra sổ mới mà muốn bán luôn thì có được không?
Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:
1. Về thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Theo thông tin chị cung cấp thì bố chị mất vào 4/2020 và có để lại di chúc định đoạt tài sản là căn nhà cho 03 người con. Hiện nay gia đình có nhu cầu làm thủ tục để nhận di sản thừa kế.
Tùy theo nhu cầu của gia đình, gia đình chị có thể lựa chọn làm thủ tục phân chia di sản thừa kế (những người thừa kế thỏa thuận phân chia rõ phần di sản được hưởng của từng người) hoặc khai nhận di sản thừa kế (trong trường hợp có duy nhất một người được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó).
Hồ sơ, thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế được thực hiện như sau:
Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:
- Giấy chứng tử của người để lại di sản;
- Các giấy tờ về tài sản cần phân chia (sổ đỏ, sổ tiết kiệm, đăng ký xe…);
- Di chúc;
- Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người để lại di sản;
- Giấy tờ chứng minh quyền thừa kế của những người thừa kế:
+ Người thừa kế theo di chúc (03 người con): cần CMND, hộ khẩu
+ Người thừa kế theo pháp luật (không phụ thuộc vào nội dung di chúc) gồm:
Ông nội, bà nội (nếu còn sống tại thời điểm 4/2020): Giấy khai sinh của người chết để chứng minh quan hệ cha con, CMND của ông, bà nội.
Vợ (nếu có): CMND + Giấy đăng ký kết hôn
- Dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (nếu có).
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế:
Gia đình có thể thực hiện thủ tục tại Văn phòng công chứng nơi có bất động sản.
Bước 1: Nộp hồ sơ tại VPCC tại nơi có bất động sản trong địa bàn tỉnh.
Bước 2: Xử lý hồ sơ:
Cơ quan công chứng tiếp nhận hồ sơ và xử lý và thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày. Công chứng viên ra thông báo để niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản.
Bước 3: Trả kết quả
Sau 15 ngày niêm yết mà không có khiếu nại, tố cáo thì VPCC thực hiện thủ tục chứng nhận vào văn bản khai nhận di sản thừa kế
Bước 4: Thực hiện thủ tục đăng ký đất đai
Tiến hành thực hiện việc đăng ký sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
2. Điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính”.
Đối chiếu quy định tại Khoản 1 Điều 168 Luật đất đai 2013 quy định về thời điểm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Như vậy, đối với trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trong trường hợp của gia đình chị, trước đó đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nay gia đình làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế/phân chia di sản thừa kế thì có thể thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn nếu đáp ứng được các điều kiện đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất.
Lưu ý:
Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả,.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818
Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.
Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!
Bình luận: