Tranh chấp tài sản trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

Tranh chấp tài sản trong trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn

2024-09-30 09:14:29 50

Tôi sống chung với một người phụ nữ từ tháng 8/2015, nhưng không đăng ký kết hôn. Trong thời gian sống chung, tôi mua một căn nhà bằng tài sản riêng của tôi, hợp đồng mua bán và Giấy chứng nhận QSH nhà ở đều đứng tên tôi.

Hiện nay, chúng tôi không còn chung sống với nhau nữa. Người phụ nữ khởi kiện tôi ra tòa để yêu cầu chia tài sản là căn nhà nêu trên, với lý do là cô ấy có góp tiền mua nhà và bỏ tiền sửa chữa nhà. Tuy nhiên đây hoàn toàn không đúng sự thật, bởi vì toàn bộ tiền mua nhà là  do tôi tự chi trả.  Tại tòa án, cô ấy có cung cấp 1 hợp đồng sửa nhà giả tạo để chứng minh việc  bỏ tiền sửa nhà. Nhưng, thời điểm sửa chữa căn nhà vào năm 2016, do công ty tôi tự thi công sửa chữa nhà, bởi vì tôi có mở công ty xây dựng nên việc sửa chữa nhà do tôi tự thiết kế, tự bỏ mọi chi phí và bố trí nhân sự thi công.

Vậy khi giải quyết tranh chấp trên tại tòa án thì căn nhà của tôi có bị coi là tài sản chung để phân chia hay không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn sau đây của chúng tôi:

Thứ nhất, về việc  xác định tài sản chung hay  riêng.

Theo  thông tin chú cung  cấp, thời điểm tháng 8/2015 chú chung sống với một người phụ nữ và không đăng ký kết hôn. Như vậy, có thể khẳng định giữa hai người không có quan hệ kết hôn hợp pháp, tức không phải là vợ chồng.

Hiện nay, pháp luật chỉ công nhận quan hệ hôn nhân thực tế đối với những trường hợp không có đăng ký kết hôn nhưng có chung sống như vợ chồng với nhau trước ngày 03-01-1987 theo quuy định tại Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Theo đó, trường hợp chung sống như vợ chồng với nhau từ tháng 8/2016, mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng.

Tài sản được tạo lập trong khoảng thời gian cô chú chung sống chung với nhau sẽ không được thừa nhận là tài sản chung vợ chồng  theo Luật hôn nhân và gia đình, mà việc xem xét người sở hữu tài sản trong trường hợp này phải căn cứ vào hợp đồng mua bán tài sản, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu.

Theo thông tin chú cung cấp, toàn bộ khoản tiền mua nhà đều do chú tự chi trả bằng tiền riêng của  chú, hơn nữa hợp đồng mua bán nhà và Giấy chứng nhận QSD đất, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đều chỉ đứng tên một mình chú.

Điều 9 Luật nhà ở 2014 quy định: “1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 của Luật này thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) đối với nhà ở đó”

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, chú là người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở ở thì căn nhà do chú mua tại thời điểm năm 2016 được xác định là tài sản của  chú.

Trường hợp phía nguyên đơn cho rằng có góp tiền mua để mua chung nhà với chú thì phải cung cấp được các chứng cứ chứng minh việc đã giao tiền cho chú khi nào, góp bao nhiêu tiền, có giấy tờ hoặc ai làm chứng hay không? Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh, thì tòa án không có căn cứ để công nhận việc góp tiền mua chung nhà.

Thứ hai, về việc làm rõ chứng cứ liên quan đến hợp đồng sửa chữa căn nhà.

Theo thông tin chú cung cấp, sau khi mua căn nhà này thì chú đã tiến hành sửa chữa lại và hiện nay nguyên đơn đã cung cấp cho tòa án một bản hợp đồng sửa  chữa nhà, trong đó thể hiện họ là người chi trả tiền để sửa nhà.

Căn cứ  theo hợp đồng này, có thể  nhận định rằng người này có công sức trong việc cải tạo, nâng cao giá trị căn nhà. Tức là có công sức đóng góp vào việc tạo lập giá trị căn nhà hiện tại.

Nhưng chú khẳng định rằng bản hợp đồng này là giả tạo, với lý do việc sửa chữa nhà hoàn toàn do chú tự chi trả mọi khoản tiền và tự tiến hành thiết kế sửa chữa, việc thi công sửa chữa nhà do công ty xây dựng mà chú quản lý tiến hành thi công.

Như vậy, để chứng  minh  rằng hợp đồng sửa chữa nhà mà phía nguyên đơn cung cấp là giả tạo, chú cần cung cấp các chứng cứ chứng minh rằng công ty xây dựng của chú là đơn vị sửa chữa, thi công theo thiết kế của  chú. Các chứng cứ chứng minh có thể gồm: bản vẽ thiết kế gốc do chú lập, đảm bảo phù hợp với thiết kế căn nhà sau khi sửa chữa, Văn bản xác nhận của những người thợ đã thực hiện công việc thi công sửa chữa nhà, hóa đơn hoặc chứng từ thanh toán mua nguyên vật liệu để thi công, sửa chữa.

Ngoài ra, chú cũng có thể yêu cầu bên giao kết hợp đồng thi công mà nguyên đơn đã cung cấp cho tòa án, giải trình hoặc làm rõ quá trình thi công, biên bản bàn giao, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành việc sửa chữa  nhà.

Trong trường hợp chú chứng  minh được rằng việc sửa chữa nhà đều do chú thanh toán toàn bộ chi phí sửa  chữa thì tòa án có thể căn cứ vào các chứng cứ này để xác định phía nguyên đơn không có công sức đóng góp trong việc tạo lập, duy trì, sửa chữa căn nhà. Đồng  thời có đầy đủ  căn cứ để xác định căn nhà này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của riêng chú, không phải tài sản chung để  phân chia.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818

Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi