Tranh chấp diện tích đất cho mượn được làm thành ngõ đi chung

Tranh chấp diện tích đất cho mượn được làm thành ngõ đi chung

2024-11-13 08:57:13 44

Nhà em có cho hàng xóm đi nhờ trên diện tích đất ở, mặt bên cạnh của miếng đất. Vì nhà hàng xóm không đường vào mảnh đất của họ. Và năm 2021 có nhà em xây nhà vì xây nhà nên lấy vuông góc xây thừa một góc dài khoảng 1.5m ở mặt đằng sau. Năm 2011 nhà em đã làm sổ hồng rồi ạ. Gần đây gia đình em có tranh chấp với hàng xóm nên không cho đi nhờ nữa và muốn đòi lại. Nhưng lúc này mới phát hiện ra là hàng xóm đã đi làm sổ hồng (2022) khai cả phần đất nhà em cho đi nhờ và phần đất méo nhà em để dư ra. Vậy nhà em có đòi lại được đất của nhà mình không ạ? Nếu có thì cần những giấy tờ gì ạ? Hoặc nhà em được đến bù không ạ?

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà em có ghi nhận phần đất này. Nên khi hàng xóm đưa sổ hồng của họ ra thì gia đình em rất ngạc nhiên. Khi họ gọi địa chính lên đo đất cũng không hề gọi gia đình em ra xem để tránh trường hợp này ạ. Và gia đình e cũng không kí bất kì giấy tờ cho hay tặng phần đất này. Đợt 2021 đấy họ có mang một tờ giấy kí giáp ranh xuống cho bố em kí. Bố em thì không biết chữ. Lúc đó chúng em không có nhà. Không biết việc này có ảnh hưởng không?

Mời bạn tham khảo nội dung tư vấn dưới đây của Chúng tôi:

Thứ nhất, về quyền đi qua bất động sản:

Theo thông tin chị cung cấp, gia đình hàng xóm không có lối đi vào bất động sản của họ nên gia đình chị có đồng ý để họ sử dụng một lối đi qua bất động sản của mình. Về quyền đi qua này, tại Điều 254 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

…”

Theo quy định nêu trên thì nếu bất động sản của nhà hàng xóm bị bao bọc bởi các bất động sản khác dẫn đến không có lối đi hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì được quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc mình dành một lối đi hợp lý nhưng phải đền bù, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Do đó, gia đình người hàng xóm có quyền yêu cầu gia đình chị dành một lối đi qua bất động sản của gia đình chị nếu lối đi qua này là thuận tiện và hợp lý nhất. Gia đình chị có quyền yêu cầu gia đình hàng xóm đền bù có việc đi qua bất động sản này.

Thứ hai, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Tại Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013 có quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất. Như vậy, theo quy định này thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ để xác định quyền của người sử dụng đất đối với phần đất đã được cấp giấy chứng nhận.

Theo thông tin chị cung cấp năm 2012 gia đình chị đã thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận phần đất đang tranh chấp. Do đó, căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho gia đình chị năm 2012 thì gia đình chị đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất sử dụng làm lối đi qua cho nhà hàng xóm và phần 1.5m gia đình chưa xây dựng đến. Đến thời điểm hiện tại gia đình chị vẫn sinh sống và sử dụng phần diện tích đất này. 

Theo quy định của pháp luật dân sự thì quyền về lối đi qua không đồng nghĩa với việc nhà hàng xóm là chủ sở hữu của phần đất được sử dụng làm lối đi qua, trừ trường hợp giữa các bên có thoả thuận khác như mua bán hoặc tặng cho. Theo thông tin chị cun cấp gia đình chị và gia đình hàng xóm không có thoả thuận mua bán phần đất này.

Tuy nhiên, do chưa có thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình hàng xóm nên chưa đủ cơ sở để xác định chính xác về việc cơ quan có thẩm quyền cấp sai diện tích trên giấy chứng nhận hay không. Nếu gia đình chị xác định được trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2022 của nhà hàng xóm có được vẽ phần đất đã được cấp Giấy chứng nhận cho gia đình chị năm 2012, giữa các bên  không có thoả thuận mua bán, tặng cho…., đồng thời việc cấp giấy chứng nhận cho gia  đình hàng xóm với phần đất đang nằm trong giấy chứng nhận của gia đình chị không  thuộc các trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật đất đai như  chuyển nhượng, tặng cho, hoặc hàng xóm có giấy tờ khác chứng minh quyền sử dụng  đất… thì việc cơ quan có thẩm quyền cũng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho  hàng xóm trong đó bao gồm phần đất làm lối đi qua và phần 1.5 mét gia đình chị chưa  xây dựng đến là chưa phù hợp.

Để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, trước tiên, gia đình chị có thể làm đơn kiến nghị về sự việc này và gửi đến Uỷ ban nhân dân cấp quận (huyện) để làm rõ thông tin về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót hay không. Trong trường hợp đã gửi đơn kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận đơn nhưng không giải quyết thì gia đình chị có thể làm đơn khiếu nại hành chính gửi đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân hoặc trực tiếp khởi kiện hành chính đến Toà án nhân dân theo quy định.

Khi liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết gia đình chị cần cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các chứng cứ chứng minh việc sử dụng đất của gia đình (nếu có) để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết.

Đối với việc ký giấy tờ của bố chị năm 2021: Do chưa xác định được chính xác nội dung giấy tờ bố chị đã ký tên là gì, tuy nhiên, việc xác định quyền sử dụng đất phải căn cứ vào hồ sơ, giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, giấy tờ ký giáp ranh không phải là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai. Do đó, trong trường hợp các bên có tranh chấp về quyền sử dụng đất cần phải làm rõ ai có quyền đối với diện tích đất thông qua Giấy chứng nhận, căn cứ cấp giấy chứng nhận, căn cứ sử dụng đất… Tại thời điểm giải quyết tranh chấp, trong trường hợp cần thiết gia đình chị cũng có thể đề nghị xem xét lại giá trị của giấy tờ bố chị đã ký do thời điểm ký bố chị không biết chữ.

Lưu ý:

Văn bản pháp luật được áp dụng có hiệu lực ở thời điểm tư vấn, liên hệ với Công ty Luật TNHH Tháng Mười để được tư vấn miễn phí và sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp - hiệu quả.

Quý khách hàng vui lòng liên hệ: Điện thoại: (024) 66.558.661 - 0936.500.818 Hoặc gửi về địa chỉ email: Congtyluatthang10@gmail.com.

Sự hài lòng của bạn, là thành công của chúng tôi!

Bình luận:

Quý Khách hàng có nhu cầu tư vấn, xin vui lòng để lại thông tin dưới đây cho chúng tôi

Đăng ký email để nhanh chóng nhận được những thông tin pháp lý mới nhất từ chúng tôi